Quy trình chăm sóc quản lý cây đầu dòng giống nhãn chín muộn HTM - 1 (Ban hành kèm theo Quyết định số:3012 /QĐ SNN ngày 13 tháng 12 năm 2012 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội)
I. Phạm vi áp dụng Quy trình áp dụng cho các cây đầu dòng giống nhãn chín muộn HTM - 1 của các tổ chức và cá nhân trong phạm vi thành phố Hà Nội.

 

I. Phạm vi áp dụng
Quy trình áp dụng cho các cây đầu dòng giống nhãn chín muộn HTM - 1 của các tổ chức và cá nhân trong phạm vi thành phố Hà Nội.
II. Tài liệu viện dẫn
- Tiêu chuẩn Ngành 10 TCN 601-2004 Cây đầu dòng- Cây ăn quả, Ban hành kèm theo Quyết định số 4739 QĐ/BNN-KHCN, ngày 31/12/2004;
- Quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch nhãn chín muộn theo quyết định số 4095/QĐ-BNN-KHCN ngày 29/12/2006 do Bộ NN&PTNT ban hành;
- Thông tư 18/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/4/2012 quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm;
- Quy trình kỹ thuật sản xuất quả, chè an toàn ban hành theo quyết định 2184/QĐ-SNN ngày 29/12/2011 của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội.
III. Các thuật ngữ
- Cây đầu dòng – giống nhãn chín muộn HTM - 1: là cây có những đặc điểm, đặc trưng của giống, có năng suất, chất lượng, tính chống chịu cao hơn hẳn các cây khác trong quần thể giống đã qua bình tuyển và đã đ¬ược công nhận cho phép để nhân giống bằng ph¬ương pháp vô tính.
- Cành giống ghép: Là cành dùng để ghép, trên đó có từ 5 – 7 mắt.
- Cành chiết: Là cành được chiết ra từ cây mẹ, có đường kính cành từ 2 – 3 cm và có 2 chạc.
IV. Kỹ thuật chăm sóc
1. Tưới nước, làm cỏ cho cây
1.1 Tưới nước
Cung cấp đủ nước vào 2 thời kỳ chính là thời kỳ cây ra hoa tháng 2 - 3 và thời kỳ quả lớn tháng 5 - 7.
1.2 Làm cỏ
Làm cỏ kết hợp xới xáo thường xuyên ngăn ngừa cỏ dại. Khi cây lớn lưu ý làm cỏ, xới xáo tránh làm tổn thương bộ rễ.
2. Bón phân cho nhãn
2.1 Bón phân qua rễ
2.1.1. Đối với cây đầu dòng để thu hoạch quả
* Liều lượng và tỷ lệ
- Tỷ lệ các chủng loại phân bón N, P, K sử dụng hiệu quả tốt nhất đối với nhãn là 1: 1: 1,2 hoặc 1: 2: 1,2 .
- Tuỳ theo tình trạng sinh trưởng của cây, sản lượng thu hoạch năm trước để xác định liều lượng phân bón thích hợp. Với những cây trên 10 năm tuổi, cứ cho 100 kg quả thì hàng năm có thể bón 2kg N + 1kg P2O5 + 2 kg K2O.
Lượng phân bón qua rễ đối với cây đầu dòng để thu hoạch quả.

Tuổi cây (năm)

Lượng phân bón (kg/cây/năm)

Phân chuồng

Đạm urê

Lân supe

Kaliclorua

8 - 10

50 – 70

1,0 – 1,2

1,5 – 1,7

1,0 – 1,2

11 - 15

70 – 100

1,5 – 2,0

2,0 – 3,0

1,7 – 2,0

>15

100 – 120

2,0 – 2,5

3,0 – 4,0

2,2 – 3,0

Ghi chú:
* Có thể dùng phân vi sinh thay thế phân chuồng với lượng từ 5 - 10 kg/cây.
* Thời kỳ bón phân cho nhãn: Toàn bộ lượng phân bón được chia làm 3 lần bón trong năm.
- Lần thứ nhất: Bón vào cuối tháng 2 đầu tháng 3, mục đích thúc hoa và nuôi lộc xuân. Lượng bón 30% đạm, 20% kali và 20% phân lân.
- Lần thứ hai: Bón vào tháng 5 - tháng 6, mục đích tăng khả năng đậu quả và kích thước quả với lượng phân bón 40% đạm, 20% lân và 50% kali.
- Lần thứ ba: Bón sau khi thu hoạch giúp cây phục hồi sinh trưởng, kích thích lộc thu phát triển. Lượng bón 30% đạm + 30% kali, 60% lân và toàn bộ phân chuồng.
* Cách bón:
- Bón phân hữu cơ: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 20- 30cm, sâu 25 - 35cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm.
- Bón phân vô cơ: Khi đất ẩm rải phân lên mặt đất theo hình chiếu của tán sau đó tưới nước để hoà tan phân. Khi đất khô hạn hoà tan phân trong nước với nồng độ 0,5% tưới xuống đất theo hình chiếu của tán.
2.1.2 Đối với cây đầu dòng để khai thác cành
* Liều lượng:
Lượng phân bón qua rễ đối với cây đầu dòng để khai thác cành

Tuổi cây (năm)

Lượng phân bón (kg/cây/năm)

Phân chuồng

Đạm urê

Lân supe

Kaliclorua

8 – 10

50 – 70

1,2 – 1,5

1,5 – 1,7

1,0 – 1,2

11 - 15

70 – 100

2,0 – 2,5

2,0 – 3,0

1,7 – 2,0

>15

100 – 120

2,5 – 3,0

3,0 - 4,0

2,0 – 2,5

Ghi chú:
* Có thể dùng phân vi sinh thay thế phân chuồng với lượng từ 5 - 10 kg/cây.
* Thời kỳ bón phân cho nhãn: Toàn bộ lượng phân bón được chia làm 4 lần bón trong năm, cứ sau mỗi lần khai thác cành mắt ghép lại tiến hành bón phân.
- Phân vô cơ: 25% đạm + 25% kali + 25% lân / mỗi lần bón.
- Phân hữu cơ: Bón 1 lần sau khi khai thác cành lần thứ 4
2.2 Bón phân qua lá:
- Bón dưỡng lộc:
+ Loại phân: Phun riêng rẽ hoặc hỗn hợp 1 số loại phân bón lá: Atonic, Orgamin, Đầu trâu, phân Thiên Nông, Komix...theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
+ Cách phun: Phun phân bón lá khi lộc mới dài 2 – 3 cm, tiếp tục phun đến khi lộc thành thục và thời gian phun cách nhau 10 – 15 ngày.
- Bón nuôi quả
Sau khi đậu quả, phun định kỳ 15 - 20 ngày/lần để hạn chế rụng quả non, chống nứt quả và tăng khối lượng quả.
Nồng độ và liều lượng bón theo chỉ dẫn trên bao bì
3. Cắt tỉa cành
Hàng năm cắt tỉa được tiến hành vào 4 đợt
- Cắt tỉa vụ xuân: Được tiến hành vào thời gian bật lộc xuân, từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 3, cắt bỏ những cành xuân chất lượng kém, cành mang sâu bệnh và những cành mọc lộn xộn trong tán.
- Cắt tỉa vụ hè: Cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 tiến hành cát bỏ những cành không đậu quả hoặc những cây có nhiều quả sẽ cắt bỏ những cành có tỷ lệ đậu quả thấp (<10 quả/cành) và những cành hè mọc quá dầy.
- Cắt tỉa sau thu hoạch: Ngay sau khi thu hoạch làm vệ sinh cho toàn bộ cây, toàn vườn. Cắt tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành tăm, cành vượt và cành bị giập trong quá trình thu hoạch.
- Cắt tỉa vụ thu: Khi lộc thu mọc dài khoảng 5 - 7cm, tỉa bỏ những mầm yếu và chọn lại 2 - 3 cành thu trên mỗi cành mẹ.
Ngoài ra trong quá trình chăm sóc có thể cắt tỉa cho cây nếu thấy cần thiết hoặc thấy sâu bệnh, cành vượt…đảm bảo cây đầu dòng phải được giữ khoảng cách với các cây nhãn khác >5 m.
4. Kỹ thuật phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính
4.1 Sâu hại và biện pháp phòng trừ
4.1.1. Bọ xít
- Triệu chứng gây hại: Bọ xít chích hút làm cho chồi non và chùm hoa bị héo, quả bị rụng và bị thối ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Bọ xít gây hại mạnh từ tháng 3-5.
- Biện pháp phòng trừ: Ngắt các ổ trứng (ở mặt dưới lá màu xanh lục) và rung cây khi bọ xít ngủ đông, thu gom lại và đem đốt; Khi bọ xít non xuất hiện, phun Sherpa 25EC nồng độ 0,25% hoặc Trebon 10EC nồng độ 0,2%.
4.1.2. Sâu tiện vỏ nhãn
- Triệu chứng gây hại: Sâu thường gây hại từ vụ xuân đến vụ thu. Sâu non lúc đầu gặm vỏ quanh thân thành một đường hào sau đó đục vào thân làm cho cây nhãn héo dần và chết.
- Biện pháp phòng trừ: Dùng chổi tre quét, gom sâu lại đốt khi sâu ở giai đoạn nhộng; Sau khi thu hoạch quả, cắt tỉa, vệ sinh vườn, dùng nước vôi đặc quét lên gốc cây; Phun Polytrin 440EC nồng độ 0,2% hoặc Sumicidin 20EC nồng độ 0,25%.
4.1.3. Sâu đục thân
- Triệu chứng gây hại: Sâu thường gây hại từ vụ xuân đến vụ thu. Sâu non đục vào thân, cành làm cho nhiều cành bị khô, cây bị chết. Trên thân và cành bị gây hại xuất hiện nhiều lỗ đục và có mùn gỗ đùn ra.
- Biện pháp phòng trừ: Sau khi thu hoạch quả, cắt tỉa, vệ sinh vườn, dùng nước vôi đặc quét lên gốc cây; Thường xuyên theo dõi vườn cây, khi thấy xuất hiện lớp mùn cưa đùn ra ở thân cây thì tìm lỗ đục để bắt sâu non, bơm thuốc sâu đục thân vào rồi bịt kín các lỗ trên thân cành.
4.1.4. Rệp hại hoa và qủa non
- Triệu chứng gây hại: Rệp thường tập trung hàng trăm con trên các chồi non, cuống hoa, cuống quả hút nhựa làm cho các đầu cành bị cong queo, hoa quả non có thể bị rụng, quả bị giảm chất lượng.
- Biện pháp phòng trừ: Dùng Sherpa 25EC nồng độ 0,25% hoặc Trebon 10EC nồng độ 0,2%, phun 2 đợt: Đợt 1 khi rệp xuất hiện, đợt 2 sau đợt 1 từ 4-5 ngày.
4.2. Bệnh hại và cách phòng trừ
4.2.1. Bệnh sương mai
- Triệu chứng gây hại: Bệnh phát sinh và gây hại trên lá, lộc non, trên chùm hoa và quả non. Trên lá vết bệnh lúc đầu là các chấm, đốm nhỏ, sau liên kết thành mảng lớn và có mầu nâu xẫm; Trên chồi non vết bệnh có màu nâu tối, chồi bị chết khô khi trời nắng hoặc thối khi trời mưa; Trên hoa và quả non, vết bệnh là các đốm đen, làm hoa và quả non chuyển màu đen và rụng.
- Biện pháp phòng trừ: Phun Ridomil 72WP nồng độ 0,3%, Anvil 5SC nồng độ 0,15% hoặc hỗn hợp 2 loại trên.
4.2.2. Chổi rồng hại nhãn
- Triệu chứng gây hại: Chổi rồng là bệnh hại quan trọng nhất trên cây nhãn hiện nay, bệnh tấn công và gây hại làm cho lá không phát triển được, cây không hoặc khó ra hoa, khi bệnh nhiễm trên hoa làm cho cây không thể đậu trái được, hoặc chỉ có một hoặc vài trái trên chùm, gây thiệt hại năng suất rất lớn, nếu nhiễm nặng làm thất thu hoàn toàn.
- Biện pháp phòng trừ: Không được nhân giống từ những cây nhiễm bệnh chổi trồng; Cắt bỏ toàn bộ các cành, lá, hoa bị nhiễm bệnh và đem đốt hoặc chất thành đống, phun thuốc trừ nhện và trùm lại bằng nilon để tránh nhện phát tán. Sau thu hoạch trái tiến hành cắt tỉa và dọn vệ sinh cho vườn cây giúp tán cây thông thoáng; Tránh để cành, lá tiếp xúc với mặt đất tạo điều kiện cho môi giới truyền bệnh di chuyển lên cây.
4.2.3. Bệnh xém mép lá:
- Triệu chứng gây hại: Bệnh hại chủ yếu trên lá, nhất là các lá già, lá thành thục. Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ ở giữa hoặc đầu lá màu nâu đen, sau vết bệnh lớn lên có hình tròn hoặc góc cạnh, lan rộng trên phiến lá tạo thành những mảng cháy màu nâu. Lá bị bệnh vàng khô và rụng
- Biện pháp phòng trừ: Sau mỗi đợt thu hoạch, tiến hành cắt tỉa cành, thu gom và tiêu hủy các lá bị bệnh; Tưới nước, bón phân đầy đủ cho cây, nhất là phân hữu cơ, cây sinh trưởng phát triển tốt sẽ hạn chế được bệnh; Sử dụng các loại thuốc: Zineb 0,4%, VibenC 0,3%, Score 0,05% khi bệnh mới xuất hiện, phun lại lần 2 cách lần đầu 1 - 2 tuần.
5. Thu hoạch quả nhãn
5.1. Thời vụ thu hoạch
- Thu hoạch khi vỏ quả chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu vàng, vỏ quả xù xì hơi dày chuyển sang mỏng và nhẵn, quả mềm, cùi có vị thơm, hạt có màu đen và độ Brix đạt từ 21 - 22%.
- Yêu cầu ngoại cảnh khi thu hái: thu hoạch quả vào ngày tạnh ráo, thu hoạch vào buổi sáng hoặc chiều.
5.2. Kỹ thuật thu hái: dùng kéo cắt sát đến nhánh quả cuối cùng và có kèm theo 1 vài cành lá, không nên dùng tay để bẻ sẽ làm xước cành và ảnh hưởng đến vụ quả năm sau.
6. Quản lý và khai thác cây đầu dòng
6.1. Khai thác cành nhãn chiết
* Thời gian chiết cành: thời gian chiết cành thích hợp nhất cho nhãn là vụ xuân (tháng 3 - 4) và vụ thu (tháng 8 - 9).
* Số lượng cành chiết: Để đảm bảo cho cây đầu dòng nhãn muộn HTM -1 sinh trưởng và phát triển được tốt nên khai thác cành nhãn chiết 2 đợt/năm và theo số lượng sau:
Số lượng cành nhãn chiết khai thác phân theo tuổi cây

Tuổi cây

Số cành chiết/năm (cành)

Cây 8 – 10 năm

≤ 40

Cây 11 – 15 năm

≤ 50

Cây > 15 năm

 ≤ 60

6.2. Khai thác cành lấy mắt ghép nhân giống
* Kỹ thuật tỉa cành: Sau khi cắt cành mắt ghép, phía dưới cành mới bị cắt sẽ mọc nhiều lộc mới, tiến hành tỉa bỏ vè chỉ để lại từ 3 – 4 lộc/cành.
* Kỹ thuật khai thác cành nhãn ghép:
- Chỉ khai thác 50% số cành/đợt và tối đa là 4 đợt/năm.
- Khi khai thác cần cắt toàn bộ số cành mắt ghép/1 đầu cành và cứ 1 cành cắt thì để lại cành bên cạnh không cắt.
- Chỉ khai thác mắt ghép sau khi bón phân vô cơ ít nhất 1 tháng.
Số lượng cành nhãn ghép khai thác phân theo tuổi cây

Tuổi cây

Số cành ghép/đợt

Số cành ghép/năm

Cây 8 – 10 năm

45 - 50

≤ 200

Cây 11 – 15 năm

55 - 70

 ≤ 280

Cây > 15 năm

80 - 100

 ≤ 400

- Kiểm tra chất lượng quả nhãn muộn HTM-1 đầu dòng thông qua việc lấy mẫu quả phân tích các chỉ tiêu: hàm lượng chất khô (%); đường tổng số (%), vitamin C; axit; độ brix…
Hàng năm kiểm tra, đánh giá những cây đầu dòng nếu không đạt các tiêu chí của cây đầu dòng sẽ loại bỏ; bổ sung các cây đầu dòng khác.
V. Tổ chức thực hiện
- Hàng năm căn cứ nhu cầu thực tế sản xuất và công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giống cây trồng, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội xây dựng kế hoạch và triển khai bình tuyển, công nhận, quản lý, khai thác sử dụng cây đầu dòng bưởi Diễn trên địa bàn Thành phố.
- Hàng năm Sở Nông nghiệp&PTNT Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây đầu dòng và giám định các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm. Công tác quản lý cây đầu dòng thực hiện theo Thông tư 18/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/4/2012 quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm;
- Hộ gia đình, trang trại có cây đầu dòng phải chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật và có trách nhiệm bảo vệ cây đầu dòng không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài.
Các tổ chức, cá nhân có cây đầu dòng được hưởng chính sách hỗ trợ hàng năm cho việc chăm sóc, phát triển cây đầu dòng (định mức quy định theo phụ lục hướng dẫn)
- Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, tổ chức, cá nhân có liên quan cần phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (Phòng Trồng trọt) để kịp thời giải quyết./.
 

 

 

Nguyễn Thị Thoa- Phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3291
Tổng lượng truy cập: 27967895