Trong những năm gần đây, do đời sống kinh tế khá hơn nên những chất thải nông nghiệp ít được sử dụng lại, mà nông dân vứt bừa bãi hoặc đốt bỏ ngay trên đồng ruộng, đường làng, ngõ xóm. Như vậy, việc không tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đã gây lãng phí một nguồn hữu cơ lớn, mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường. Nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông trong chiến lược giảm thiểu khí phát thải, được hỗ trợ kinh phí, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình giảm khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp trên địa bàn huyện Hoài Đức. Theo đó, hộ tham gia mô hình được hỗ trợ thức ăn cho bò thí nghiệm, tiêm chủng cho bò; dịch vụ thú y và thuốc; hỗ trợ đá liếm và hỗ trợ bể biogas. Qua thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm phát khí thải nhà kính bảo đảm được vệ sinh môi trường, hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững, tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng trong chiến lược giảm thiểu khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp. Thành công của mô hình còn là nơi tham quan, học tập cho các hộ dân và nhân ra diện rộng.
Bên cạnh triển khai các mô hình, công tác tập huấn kiến thức cho khuyến nông viên cơ sở cũng được triển khai rộng khắp. Trong năm, từ Chương trình tập huấn TOT cho khuvến nông viên cơ sở, cán bộ khuvến nông đã thực hiện 2 lớp với 60 người tham gia; mở 1 lớp tập huấn kỹ thuật và tổ chức sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap; 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò, góp phần giảm phát khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường. Nội dung của các lớp tập huấn phù hợp với đối tượng học viên, đáp ứng nhu cầu của người học, các vấn đề khó khăn trong sản xuất tại địa phương hiện nay mà học viên gặp phải đều được giải đáp. Không chỉ có vậy, lớp tập huấn khá bổ ích và cung cấp nhiều thông tin kỹ thuật phục vụ chăn nuôi, sản xuất của người dân ngoại thành Hà Nội.
Có thể nói, với sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của sở, ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương và nhân dân, các mô hình, dự án khuyến nông được thực hiện đúng yêu cầu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Trọng tâm triển khai các mô hình áp dụng giống mới, giống đặc sản có năng suất, chất lượng cao, quy mô lớn nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn những khó khăn như định mức kinh tế kỹ thuật các mô hình còn thấp hơn so với thực tế; kết cấu phần đầu tư hỗ trợ cho nông dân còn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất mà phải quan tâm hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, định hướng đầu ra cho sản phẩm...
Để nâng cao hiệu quả và nhân rộng các mô hình, dự án, tập trung khắc phục những hạn chế. Theo đó, cần có sự quan tâm giúp đỡ, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên hơn nữa của ngành và của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xem xét tăng định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với thực tế hiện nay để đáp ứng yêu cầu của mô hình; tiếp tục hỗ trợ thực hiện mô hình, nhất là các mô hình mới để chuyển giao cho nông dân, nhân rộng mô hình thực hiện có hiệu quả.