Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Vùng đất bãi sông Hồng trên địa bàn quận Hoàng Mai tập trung tại 3 phường: Lĩnh Nam, Trần Phú và Yên Sở. Ngày 3/6/2013, quận Hoàng Mai đã phê duyệt Quy hoạch sản xuất nông nghiệp vùng bãi sông Hồng giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu đến năm 2020, diện tích sản xuất nông nghiệp vùng bãi sông Hồng của quận sẽ đạt 389 ha, trong đó diện tích trồng rau an toàn là 131 ha; trồng hoa, cây cảnh là trên 30 ha; trồng cây ăn quả trên 64 ha; nuôi trồng thủy sản kết hợp với nông nghiệp sinh thái trên 164 ha…
Thực hiện Quy hoạch trên, nhân dân 3 phường Lĩnh Nam, Trần Phú và Yên Sở đã tích cực chuyển đổi các diện tích trồng cây trồng kém hiệu quả (chủ yếu trồng lúa, ngô) sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Tính đến hết tháng 6/2014, các địa phương đã chuyển đổi được 243 ha, trong đó diện tích trồng rau an toàn là 106 ha; hoa, cây cảnh là 21,1ha; nuôi thủy sản và nông nghiệp sinh thái là trên 101 ha. Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã hình thành nhiều mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế cao, điển hình như diện tích trồng dưa mắt lưới tại phường Lĩnh Nam cho thu nhập 400 triệu đồng/ha; hay mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với nông nghiệp sinh thái tại các phường Trần Phú, Yên Sở mang lại giá trị kinh tế cao trên 1 ha canh tác.
Đặc biệt, trên địa bàn các phường đã hình thành các doanh nghiệp sản xuất, thu mua và phân phối sản phẩm nông nghiệp cho nông dân: như Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Đông Nam Á trên địa bàn phường Lĩnh Nam. Sự kết hợp giữa doanh nghiệp với người nông dân đã mang đến một quy trình sản xuất rau an toàn đạt chuẩn, cung cấp cho các bếp ăn tập thể, các siêu thị trên địa bàn TP. Đặc biệt, sản phẩm rau quả an toàn mang thương hiệu của Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Đông Nam Á còn đủ tiêu chuẩn xuất bán vào các bếp ăn của các công ty Nhật Bản, vốn rất nghiêm ngặt về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Hiện nay, sản phẩm rau an toàn Hoàng Mai thông qua Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Đông Nam Á đã được cung cấp đến 30 siêu thị, bếp ăn trên địa bàn TP, như: Coopmart, Fivimart, Intimex VN…. Tại quận Hoàng Mai, Công ty cũng đang cung ứng các loại thực phẩm sạch, rau an toàn cho 10 Trường Tiểu học, Mầm non như: Tiểu học Trần Phú, Tiểu học Mai Động, Tiểu học Yên Sở, Tiểu học Đền Lừ; Mầm non Vĩnh Hưng. Anh Nguyễn Văn Oanh (tổ 33 phường Lĩnh Nam) chia sẻ: Trước gia đình trồng rau theo kiểu tự sản - tự tiêu, lắm khi “được mùa - mất giá”. Gần 3 năm hợp tác với Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Đông Nam Á, rau gia đình tôi bán được giá, chỉ có bằng và cao hơn giá thị trường, thu nhập tăng từ 20 đến 30% so với trước. Hơn nữa, không mất công, thời gian đi bán rau; hàng sáng, chỉ việc chở rau từ vườn đến chỗ chế biến của Công ty mất vài trăm mét…
Chính quyền đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
Có được những kết quả bước đầu như trên, quận Hoàng Mai không chỉ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách, mà còn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân. Trong bối cảnh thu chi ngân sách còn khó khăn, song năm 2014, quận Hoàng Mai đã dành gần 54 tỷ đồng để xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật, với trên 20km đường giao thông nội đồng và trên 3,5km kênh mương tưới, tiêu.
Đặc biệt, quận Hoàng Mai còn luôn đồng hành với người sản xuất và doanh nghiệp khi chỉ đạo các ngành chức năng của quận thường xuyên kiểm tra, kiểm định chất lượng nông sản, sau đó có văn bản giới thiệu đến các bếp ăn tập thể, các siêu thị trên địa bàn ưu tiên tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân, các doanh nghiệp… Ông Chu Văn Hồi, Công ty CP xuất nhập khẩu thực phẩm Đông Nam Á chia sẻ: thành công của doanh nghiệp có được như ngày hôm nay là nhờ sự “tiếp sức” tích cực của chính quyền. Đơn cử, khi biết Công ty có khả năng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, đích thân Chủ tịch UBND quận đã triệu tập các ngành chức năng, chỉ đạo rà soát các cơ quan, đơn vị có bếp ăn tập thể.. và giới thiệu sản phẩm của Công ty. Qua đó, khoảng 10 bếp ăn trường học đã ký hợp đồng với Công ty cung ứng thực phẩm (rau an toàn, thịt…). Đây là việc làm hy hữu của chính quyền, góp phần động viên, cổ vũ rất lớn với doanh nghiệp trong bối cạnh cạnh tranh gay gắt trên thương trường như hiện nay, đồng thời cũng mở ra thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân ngay trên chính sân nhà, người tiêu dùng cũng được sử dụng những sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Việc gắn kết giữa chính quyền - doanh nghiệp và người dân đang mở ra những hướng đi vững chắc đối với sản phẩm mang thương hiệu rau an toàn của Hoàng Mai, bởi từ hơn 10 năm trước, vùng bãi quận Hoàng Mai (khi còn thuộc huyện Thanh Trì) đã là nơi đầu tiên triển khai sản xuất rau an toàn của TP. Năm 2015, sản phẩm rau, củ, quả an toàn của quận Hoàng Mai tiếp tục được đưa vào các bếp ăn của Công ty nước ngoài và bếp ăn của Đại sứ các nước trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, với sự liên kết giữa Công ty Đông Nam Á và Công ty TNHH Synapse Nhật Bản, hai bên sẽ chọn 58 hộ, với diện tích trên 13 nghìn m2, trồng 10 loại rau, củ, quả theo quy trình trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản của Nhật Bản, khi đó sản phẩm sẽ được xuất vào thị trường Nhật Bản, tạo tiền đề để xuất khẩu sang nhiều nước khác như Singpore, Malaysia…