Sức lan tỏa của chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao
Đứng trước nhu cầu sử dụng lương thực chất lượng ngày càng cao của nhân dân thủ đô, gạo phải ngon sạch, an toàn. Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh việc xây dựng chương trình sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn, đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa trên 1 ha đất canh tác, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo chất lượng cao của nhân dân. Thực tế chương trình đã đem lại những lợi ích to lớn cho các HTX được triển khai chương trình cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ đó diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đã không ngừng được mở rộng tại các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội.

            Vụ mùa 2014 vừa qua, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội, HTX nông nghiệp Kim Bồng xã Kim Đường huyện Ứng Hòa đã triển khai chương trình lúa hàng hoá chất lượng cao trên diện tích 50ha, với 328 hộ tham gia, 2 giống lúa chất lượng cao là Bắc Thơm số 7 kháng bạc lá và Nếp 97 được đưa vào sản xuất. Là vụ đầu tiên HTX Kim Bồng triển khai chương trình sản xuất lúa hóa hàng hóa chất lượng cao, các hộ xã viên vốn chỉ quen với việc sản xuất các loại lúa thuần năng suất cao nên đã không khỏi băn khoăn về tính hiệu quả của chương trình. Song với sự chỉ đạo sát sao của Trung tâm phát triển cây trồng thông qua việc cử cán bộ kỹ thuật về tập huấn phổ biến kỹ thuật quản lý, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; quản lý phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao… giúp nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất lúa hàng hóa vụ mùa của xã đạt 5,4 tấn/ha, giá trị thu nhập cao gấp 1,5 lần so với giống lúa thuần Khang dân 18, một giống được trồng phổ biến tại xã. Từ hiệu quả đạt được nông dân trong xã đã thực sự vui mừng phấn khởi và tin tưởng vào chương trình.

        HTX nông nghiệp Kim Bồng là một trong số hàng chục HTX trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trong năm nay. Qua đánh giá, với quy mô gần 7.000ha năng suất lúa hàng hóa chất lượng cao năm 2014 đạt bình quân 5,3 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 37.000 tấn; giá trị sản phẩm đạt trên 400 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế đạt trên 224 tỷ đồng tăng hơn so với sản xuất lúa thường khang dân 18 là: 51,3 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế cao, nên các HTX đều có chủ trương mở rộng diện tích trong các vụ sau. Qua đó đã giúp cho các địa phương mở rộng diện tích, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, các vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung rất thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra các loại gạo chất lượng cao, an toàn.

          Đối với các HTX nông nghiệp đã sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao từ nhiều năm nay, do hiệu quả kinh tế mang lại, nên đã mở rộng diện tích trồng lúa hàng hóa chất lượng cao từ 30- 40% lên 70- 80% diện tích trồng lúa. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm đến nay diện tích lúa chất lượng cao của Thành phố Hà Nội không ngừng tăng lên qua các năm, nếu như năm 2011 diện tích lúa chất lượng cao của toàn thành phố chỉ chiếm 22,4%, thì đến năm 2014 tăng lên là 36,6%. Tại 12 huyện trọng điểm trồng lúa, qua thống kê tổng hợp kết quả sản xuất lúa chất lượng cao cho thấy, diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao năm 2014 tăng hơn năm 2013 là 16.916 ha, từ 41.410 ha lên 58.326 ha, tỷ lệ cơ cấu giống lúa chất lượng lần lượt là 24,1 %,  33,8%. Tỷ lệ diện tích lúa chất lượng được ngân sách thành phố hỗ trợ giảm dần từ 19,3% năm 2013 xuống 9,8% năm 2014; đồng thời đã hình thành các vùng lúa chất lượng tiêu biểu như: Huyện Phúc Thọ giống lúa Hương Thơm số 1; huyện Thanh Oai, Thường Tín  giống Bắc thơm số 7. Đặc biệt, đã bước đầu khôi phục và phát triển giống lúa nếp đặc sản nếp cái Hoa vàng tại xã Tân Hưng và xã Bắc Phú của huyện Sóc Sơn tổng diện tích 250ha; xã Tam Hưng - huyện Thanh Oai diện tích150 ha.

  Trong 05 năm từ 2010 đến 2014, Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội đã xây dựng được 120 mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tiêu biểu tại 82 hợp tác xã của 14 huyện ngoại thành Hà Nội, với quy mô 23.215 ha, có tổng số 125.007 hộ nông dân tham gia sản xuất. Năng suất bình quân đạt 5,3 tấn/ha, sản lượng đạt 100.858 tấn, giá bán tăng từ 1,3 - 1,5 lần so với lúa khang dân 18; Giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 1.022 tỷ 780 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế đạt 466 tỷ 236 triệu đồng, tăng hơn so với kế hoạch 30% do diện tích và giá cả tăng,  tăng hơn so với sản xuất lúa thường khang dân 18 là 246 tỷ 315 triệu đồng.

          Qua việc triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, một số giống lúa đã được khẳng định, trở thành giống cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tại các huyện được triển khai chương trình như: Ba Vì, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Đông Anh ..... đều khẳng định, các giống lúa đưa vào chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đã cho năng suất và chất lượng ổn định, có giá bán trên thị trường cao, được người tiêu dùng lựa chọn.

 Từ hiệu quả của chương trình qua thống kê tổng hợp trong 5 năm từ 2010 đến 2014, mỗi năm các huyện ngoại thành Hà Nội đã mở rộng, phát triển thêm được 1.000 ha/năm và tạo thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tiêu biểu như: Huyện Đông Anh, Sóc Sơn: giống nếp cái Hoa vàng, Thanh Oai giống Bắc thơm số 7,.v.v. Bên cạnh hiệu quả mà chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao mang lại, thì điều quan trọng chương trình đã tạo được lòng tin cho Đảng, chính quyền và nhân dân, nhất là nông dân trực tiếp tham gia sản xuất, tạo tiền đề thuận lợi cho các địa phương tiếp tục phát triển mở rộng sản xuất.

  Với sức lan tỏa mạnh, chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao được đánh giá là một chương trình có tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả cao, đứng đầu trong các chương trình, dự án, đề án trọng điểm của ngành nông nghiệp thủ đô. Có được những thành quả đó, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, các sở ban ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Sở NN&PTNT Hà Nội, thì một nhân tố hết sức quan trọng đó là sự năng động sáng tạo, sự hết lòng phục vụ nhân dân của cán bộ công nhân viên chức Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất quản lý, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế vào sản xuất nâng cao đời sống nhân dân. Điều này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, từng bước hướng tới xây dựng nền kinh tế nông nghiệp đô thị, sinh thái bền vững, đáp ứng mục tiêu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp thủ đô\".

                                                                        Nguyễn Bá Bằng-Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội

Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5237
Tổng lượng truy cập: 27967895