UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5355/QĐ-UBND, “Quy định cơ chế phối hợp và trách nhiệm quản lý rừng theo phân cấp quản lý nhà nước về quản lý rừng giai đoạn 2011-2015, quy định tại Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 26/2/2014 của UBND thành phố Hà Nội”.
Điểm đáng lưu ý của quy chế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND thành phố thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Bên cạnh đó, tiếp tục quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn (Mỹ Đức) và một phần rừng phòng hộ (Sóc Sơn).
Đối với diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ còn lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã có rừng xây dựng kế hoạch rà soát, phân loại diện tích từng loại rừng trên thực địa; kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển rừng hàng năm và dài hạn, trình thành phố phê duyệt.
Với diện tích rừng sản xuất, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã có rừng quản lý, đầu tư rừng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý rừng, một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng và các quy định hiện hành của nhà nước và thành phố trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
UBND các huyện, thị xã có rừng, thực hiện quản lý rừng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng... Thực hiện các nhiệm vụ về phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của thành phố; phối hợp với sở, ngành liên quan thực hiện công tác giao đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn...
Theo quy định, thành phố quản lý, đầu tư rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, UBND các huyện, thị xã quản lý đầu tư rừng sản xuất.