Hà Nội là một trong những địa phương sản xuất lương thực lớn ở khu vực phía bắc với sản lượng 1,2 triệu tấn thóc mỗi năm xong vẫn không cung cấp đủ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa gạo của Thủ Đô cũng như tiến tới xuất khẩu lúa gạo chất lượng cao thì công tác khảo nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, để tuyển chọn ra những giống lúa mới có tiềm năng về năng suất, chất lượng tốt, phù hợp điều kiện canh tác và có khả năng chống chịu sâu bệnh để từng bước đưa vào cơ cấu giống thay thế dần các giống lúa cũ đang bị thoái hóa, giảm năng suất và chất lượng.
Từ kết quả khảo nghiệm so sánh và khảo nghiệm sản xuất vụ xuân, vụ mùa năm 2014, Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội tiếp tục khảo nghiệm so sánh 22 giống lúa các loại tại Trạm thực nghiệm Giống cây trồng Thường Tín; khảo nghiệm sản xuất 07 giống lúa mới có tiềm năng về năng suất, chất lượng tại Trạm thực nghiệm và 03 HTX đại diện cho các vùng sinh thái của Thành phố là: HTX NN Mai Đình – Huyện Sóc Sơn, Hát Môn – H.Phúc Thọ, Tảo Khê – Xã Tảo Xuân Văn – H. Ứng Hòa.
Tại Trạm thực nghiệm qua đánh giá kết quả khảo nghiệm sản xuất vụ Xuân và vụ Mùa năm 2014 đã xác định được các nhóm giống có tiềm năng và năng suất, chất lượng phù hợp cơ cấu cây trồng của Hà Nội như:
+ Nhóm lúa thuần chất lượng các giống: NT2, Thuần việt 7 có thời gian sinh trưởng vụ mùa từ 102 - 106 ngày, cứng cây, có khả năng chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh; có tiềm năng cho năng suất cao (năng suất lý thuyết từ 70 - 85 tạ/ha), tất cả các giống đều cho năng suất cao hơn đối chứng Bắc thơm số 7.
+ Nhóm lúa thuần năng suất các giống: GL105, KN2, MB68, có thời gian sinh trưởng giao động vụ mùa từ 97 - 105 ngày, cứng cây, có khả năng chống chịu tốt với một số loại sâu, bệnh; có tiềm năng cho năng suất cao các giống GL105, KN2, MB68 (năng suất lý thuyết từ 80 – 90) tạ/ha, TBR225, NH91 và Hưng dân (70 – 76) tạ/ha, đều cao hơn đối chứng Khang dân 18.
+ Nhóm lúa ngắn ngày: Giống GL 102, HN6 và D34 có thời gian sinh trưởng vụ mùa từ 91 - 96 ngày ngắn hơn Khang dân 18 từ 3 – 7 ngày, cứng cây trung bình, chống chịu tốt với một số loại sâu, bệnh chính, năng suất lý thuyết đạt từ 70 - 75 tạ/ha.
+ Nhóm lúa nếp: Các giống có thời gian sinh trưởng vụ mùa 105 - 110ngày, cứng cây, gạo thơm, chống chịu tốt với một số loại sâu, bệnh chính và có tiềm năng cho năng suất khá từ 45- 50tạ/ha.
Với kết quả khảo nghiệm sản xuất vụ mùa Trung tâm đã xác định được kết quả của các nhóm giống lúa thuần chất lượng: Giống Thuần Việt 1 sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bênh khá, chống đổ tốt, kiểu hình cây đẹp, bông to, dài, hạt thon dài, màu vàng nâu, năng suất cao hơn đối chứng Bắc thơm số 7 là 13,8%. Tuy nhiên thời gian sinh trưởng hơi dài (110 – 115 ngày), dài hơn khang dân đối chứng từ 3 – 5 ngày và có hiện tượng nứt vỏ trấu nhiều. Giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá có thời gian sinh trưởng, kiểu hình cây, năng suất tương đương Bắc thơm số 7, chống chịu với bệnh khô vằn, bạc lá khá hơn Bắc thơm số 7.
Kết quả Sản xuất thử nghiệm các giống lúa mới: Cả 2 giống sản xuất thử nghiệm đều sinh trưởng phát triển tốt, kiểu hình cây đẹp, khả năng chống chịu sâu bênh và điều kiện ngoại cảnh khá, hạt thon dài, màu vàng sáng. Năng suất của giống Sơn lâm 1 cao hơn giống Bắc thơm số 7 từ 4 - 6 tạ/ha và Thiên ưu 8 cao hơn Khang dân 18 từ 5 – 7 tạ/ha, đặc biệt giống Sơn Lâm 1, qua 2 vụ khảo nghiệm và sản xuất thử ở vụ xuân và vụ mùa 2014 đều cho năng suất khá, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt. Tuy nhiên quá trình theo dõi cho thấy giống Thiên ưu 8 có biểu hiện bị nhiễm nhẹ bệnh đen lép hạt (tỉ lệ 5 – 7%) cần tiếp tục theo dõi để có đánh giá kết quả chính xác trước khi bổ sung đưa vào cơ cấu giống của thành phố
Tại hội nghị đánh giá kết quả công tác khảo nghiệm của Trung tâm năm 2014 ngày 17 tháng 9 năm 2014 vừa qua tại trạm thực nghiệm giống cây trồng Thường Tín (thuộc Trung tâm), các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật đều thống nhất sẽ tiếp tục khảo nghiệm 7 giống có triển vọng ở các vụ năm 2015 tại trạm thực nghiệm để từ đó xác định được giống có triển vọng đưa ra khảo nghiệm sản xuất tại các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn Thành phố.
Thủ đô Hà Nội hiện có diện tích gieo cấy mỗi vụ hơn 100 nghìn ha, tuy nhiên nhiều giống lúa đưa vào gieo trồng đã lâu và đang có những biểu hiện thoái hóa, giảm năng suất và chất lượng. Chính vì vậy việc tìm ra các giống có năng suất, chất lượng cao để thay thế luôn là yêu cầu đặt ra với ngành nông nghiệp thủ đô. Việc khảo nghiệm các giống lúa mới Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội đang triển khai đã góp phần quan trọng trong việc xác định các giống lúa có tiềm năng về năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện canh tác của các vùng sinh thái ngoại thành Hà Nội, từng bước đưa vào cơ cấu giống lúa chất lượng cao của thành phố, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thủ đô phát triển theo hướng hàng hóa bền vững, hiệu quả kinh tế cao./.
Nguyễn Bá Bằng – Trưởng phòng TT & XTTM, Trung tâm PTCT