Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu và công bố phân vùng bão, xác định nguy cơ nước dâng do bão cho vùng ven biển nước ta. Theo đề xuất của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, để ứng phó với các bão lớn, UBND các tỉnh, thành phố cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kiểm đếm và tìm mọi biện pháp thông báo. Tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công trình hoàn thành sớm trước khi bão đổ bộ; rà soát phương án, chuẩn bị, chủ động tổ chức sơ tán nhân dân vùng cửa sông, ven biển, nhà ở không đảm bảo an toàn, đặc biệt là sơ tán các khu dân cư ven biển tới các nhà, công trình kiên cố theo phương án đã được phê duyệt.
Có phương án và chủ động triển khai tiêu thoát nước đô thị tại các thành phố lớn; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập để bảo đảm sản xuất. Kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, hầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại. Tổ chức rà soát, thực hiện phương án 4 tại chỗ để chủ động ứng phó khi lũ, bão.
Hội nghị đã nghe các địa phương: Hải Phòng, Nghệ An, Vũng Tàu, Quãng Ngãi, Bến Tre, Sơn La…, trình bày công tác chủ động ứng phó với bão mạnh, siêu bão… Các địa phương đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng bản đồ dữ liệu ngập lụt; xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần và vùng nguy cơ cao; bố trí kinh phí đầu tư các công trình nâng cấp đê, hồ đập, thủy lợi, khu neo đậu tránh bão; hỗ trợ các phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng bản đồ ngập úng…
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Bộ Xây dựng…đã báo cáo kết quả phân vùng, phạm vi gió mạnh của bão, nước biển dâng do bão cho dải ven biển Việt Nam; mô phỏng các kịch bản bão mạnh đổ bộ vào Trung bộ, Nam bộ và nhận định về vùng ảnh hưởng và tác động của gió, bão đến cơ sở hạ tầng, nhà cửa. Báo cáo kết quả tính toán nước biển dâng phục vụ phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão (cho 3 miền Bắc, Trung, Nam)...
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, công tác phòng, chống, ứng phó với bão mạnh, siêu bão là một trong những nhiệm vụ hết sức trọng tâm, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phải có sự tập trung chỉ đạo, quyết tâm cao nhất bằng tất cả các giải pháp với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng, cùng với xu hướng chung của thế giới, nước ta cũng xây dựng một hệ thống chính sách, kế hoạch ứng phó với thiên tai, bão lũ để đảm bảo ứng phó được những thiên tai lớn có thể xảy ra. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến của bão để thông báo kịp thời nhân dân chủ động phòng tránh; ban hành sớm bản đồ ngập lụt để xác định được các vùng nguy cơ kịp thời sơ tán người dân. Các địa phương chuẩn bị điều kiện, sẵn sàng cho công tác cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn hồ, đập, giao thông và thông tin liên lạc. Cần xây dựng phương án bổ sung cụ thể về công tác ứng phó phòng chống bão mạnh, siêu bão; hệ thống cảnh báo bão, siêu bão; nâng cao năng lực tự ứng phó bão của người dân, đặc biệt ở những vùng có nguy cơ cao về thiên tai; rà soát phương tiện trang thiết bị ứng phó với siêu bão… Tất cả các địa phương phải có phương án ứng phó với siêu bão vào tháng 6/2015. Các Bộ, ngành cần tập trung phối hợp, khẩn chương cùng các địa phương thực hiện nhiệm vụ này.