Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình trình diễn khoai tây giống mới năng suất chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vụ Đông. Mô hình có quy mô 85 ha, thực hiện trên 2 giống khoai tây mới là Julinka và Atlantic (trong đó gồm 55ha giống Julinka dùng cho ăn tươi; 30ha giống Atlantic dùng cho chế biến triển khai tại 4 điểm của 4 huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Ứng Hòa và Mỹ Đức.
Theo đó, các hộ tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 50% lượng giống, 50% khối lượng vật tư, phân bón. Dưới sự kiểm tra, giám sát của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện và phòng Khuyến nông Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội). Tất cả các loại vật tư, phân bón hỗ trợ và đối ứng đều đảm bảo đủ số lượng, đúng tiêu chuẩn chất lượng và đúng thời gian, đảm bảo kịp thời vụ.
Đến nay, các điểm mô hình khoai đang sinh trưởng phát triển tốt, đang ở thời kỳ phát triển củ. Dự kiến thời gian thu hoạch: với các điểm trồng giống Julinka, thời gian sinh trưởng từ 85 – 90 ngày, sẽ cho thu hoạch trung tuần tháng 1/2025 (trước Tết Nguyên đán 2025); với các điểm trồng giống Alantic, thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày, sẽ thu hoạch cuối tháng 1 đến đầu tháng 2/2025 (trước và sau Tết Nguyên đán năm 2025).
Qua đánh giá cho thấy, cả 2 giống khoai tây Atlantic và Julinka đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến, giống Atlantic năng suất đạt 22,7 tấn/ha, tỷ lệ củ loại 1 đạt 85%, hiệu quả kinh tế đạt 81,5 triệu đồng/ha; giống Julinka dự kiến năng suất đạt 23,3 tấn/ha, tỷ lệ củ loại 1 đạt 71,4%, hiệu quả kinh tế đạt 82,6 triệu đồng/ha. Mức hiệu quả kinh tế này cao hơn nhiều so với trồng ngô và đậu tương vụ Đông.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết: 2 giống khoai tây Atlantic và Julinka có nhiều ưu điểm là củ đồng đều, nhẵn bóng, mắt nông, tỷ lệ củ loại 1 cao. Trong đó, giống Julinka vỏ và ruột củ màu vàng, hàm lượng tinh bột cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ăn tươi; giống Atlantic củ tròn, vỏ và ruột trắng, hàm lượng chất khô cao phù hợp cho công nghiệp chế biến nên rất dễ thương mại hóa.
Mặt khác, trồng khoai tây vụ Đông lại không chịu áp lực của thời vụ, tận dụng tối đa nguồn rơm rạ sau thu hoạch làm phân bón bổ sung nguồn hữu cơ cho đất, tạo độ tơi xốp cho khoai tây phát triển; cùng với phần thân, lá khoai tây sau thu hoạch củ sẽ trở thành lượng phân hữu cơ, bồi thêm dinh dưỡng cho đất trồng lúa vụ Xuân.
Đánh giá cao hiệu quả của mô hình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương nhận định: “điểm cộng” của mô hình là có doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Cụ thể, giống Atlantic trồng tại điểm xã Tự Lập (huyện Mê Linh) được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với giá từ 6.000 – 8.600 đồng/kg. Với sự liên kết sản xuất, tiêu thụ này đã giúp nông dân yên tâm sản xuất, vơi nỗi lo “được mùa mất giá”.
Đây cũng là một trong những căn cứ quan trọng để Sở NN&PTNT Hà Nội xem xét, bổ sung giống khoai tây Atlantic và Julinka vào cơ cấu giống khoai tây của thành phố và tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình ở những năm tiếp theo.
Đối với các địa phương sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Mạnh Phương đề nghị, các huyện, xã, hợp tác xã cần tăng cường công tác tuyên truyền về các giống khoai tây mới này.
Bên cạnh chính sách của thành phố, các huyện cần có cơ chế riêng để hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã, nông dân mở rộng diện tích trồng giống khoai tây Atlantic và Julinka. Từ đó, từng bước mở rộng và khai thác hiệu quả diện tích trồng cây vụ Đông, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân và phát triển kinh tế địa phương.