Qua đó, giúp nông dân thay đổi phương thức thâm canh theo hướng an toàn, hữu cơ, VietGAP, bảo đảm cho sức khỏe người sản xuất, sử dụng sản phẩm nông sản và bảo vệ môi trường.
Một trong những mô hình điển hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới tại Gia Lâm là mô hình sản xuất rau cải theo hướng hữu cơ tại địa bàn xã Yên Thường. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoàng Thị Thúy Nga cho biết, từ tháng 10 đến tháng 12-2024, Trung tâm phối hợp với UBND xã Yên Thường triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau cải canh theo hướng hữu cơ trên quy mô 2ha.
Các hộ tham gia được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Kết quả cho thấy, cây cải canh phù hợp với thổ nhưỡng, đồng đất xã Yên Thường, năng suất ổn định, góp phần cung cấp nguồn thực phẩm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và tăng thu nhập. Cụ thể, mỗi sào rau cho thu hoạch 600-700kg/vụ, giá bán trung bình 13.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng 6,5-7,5 triệu đồng/sào, 180-200 triệu đồng/ha.
Đây cũng là cơ hội để địa phương nhân rộng diện tích canh tác, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tiến tới xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn cho hay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Gia Lâm lựa chọn, tổ chức thực hiện mô hình liên kết sản xuất thâm canh gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi tại xã Đa Tốn, nhằm tạo vùng nguyên liệu bưởi ổn định, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, bao tiêu sản phẩm đầu ra, từ đó nâng cao giá trị bưởi cho địa phương...
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Tốn Lê Thanh Phương, mô hình được triển khai trên quy mô 8ha, có 15 hộ tham gia... Quá trình thực hiện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức lớp tập huấn cho 30 nông dân của xã về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất bưởi an toàn, quy trình thâm canh bưởi theo hệ thống quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, các tiêu chuẩn sản xuất an toàn theo VietGAP, hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Các hộ tham gia mô hình còn được hỗ trợ 50% kinh phí giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật và 100% chi phí tập huấn kiến thức. Sau 3 tháng thực hiện, mô hình tăng 23,88% năng suất so với sản xuất theo tập quán cũ của nông dân. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh, sản phẩm quả bưởi chất lượng, đáp ứng yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm. Từ đó, giúp các hộ tham gia mô hình từng bước xây dựng thương hiệu bưởi an toàn, đồng thời làm cơ sở để các hộ nông dân khác đến tham quan, học tập, nhân rộng.
Cũng theo ông Lê Thanh Phương, Hội Nông dân xã đang tuyên truyền, khuyến khích hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, tạo ra vùng sản xuất bưởi hàng hóa chất lượng, có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, từ đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết khác trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình trồng giống ngô nếp tím lai VNUA141 vụ thu đông 2024 trên địa bàn xã Kim Sơn, quy mô 4ha. Đây là giống ngô có khả năng chống chịu tốt với bệnh khô vằn và đốm lá nhỏ, nên tiết kiệm chi phí, công chăm sóc; bắp ngô to, dài, thơm, ngon, năng suất cao, lợi nhuận gần 65 triệu đồng/ha/vụ/3 tháng.
Bà Hoàng Thị Thúy Nga cho biết, trong năm 2025, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thêm 14 mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, VietGAP, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ổn định.