Tối ưu hóa giá trị đất nông nghiệp
Kinhtedothi - Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 cho phép sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích. Vì vậy, việc xây dựng các quy định chi tiết cho từng loại đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích được xem là nhiệm vụ cấp bách.

Thúc đẩy phát triển bền vững

Khoản 1, Điều 218 Luật Đất đai 2024 quy định, có nhiều loại đất được sử dụng kết hợp đa mục đích, trong đó đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Điều này giúp tối ưu hóa giá trị đất đai, tạo đà phát triển cho nông dân và doanh nghiệp.

Du khách tham quan một vườn hoa, cây cảnh tại xã Hồng Vân. Ảnh: Trọng Tùng
Du khách tham quan một vườn hoa, cây cảnh tại xã Hồng Vân. Ảnh: Trọng Tùng

Tuy nhiên, việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt. Người sử dụng đất không được làm thay đổi loại đất đã xác định, không gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và hệ sinh thái tự nhiên...

Để hướng dẫn cụ thể việc sử dụng đất đa mục đích, ngày 30/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024. Theo đó, các phương án sử dụng đất phải được cơ quan chức năng phê duyệt, nhằm bảo đảm tính minh bạch và kiểm soát tốt việc khai thác tài nguyên đất đai.

Với quy định cho phép sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích, anh Nguyễn Hữu Hùng, ở xã An Thượng (huyện Hoài Đức) chia sẻ: “Với quy định mới, nhà vườn chúng tôi có thể tận dụng tốt hơn diện tích đất hiện có. Gia đình tôi có thể kết hợp trồng nho hạ đen và hoa để phát triển khu vườn trải nghiệm cho khách du lịch, từ đó gia tăng thu nhập."

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đa mục đích phải có quy mô phù hợp, dễ tháo dỡ và tuân thủ các điều kiện về bảo vệ hệ sinh thái. Đặc biệt, đối với đất trồng lúa, lâm nghiệp hay đất có mặt nước, việc sử dụng đất phải bảo đảm không thay đổi hiện trạng tự nhiên và hệ sinh thái.

Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích tại Hà Nội, từ du lịch nông nghiệp đến chăn nuôi, trồng trọt. Các quy định này sẽ giúp người dân tối ưu hóa giá trị kinh tế từ đất; đồng thời bảo đảm quản lý tài nguyên bền vững và hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiện đại.

Chính sách cần được thiết kế rõ ràng, linh hoạt

Nhiều nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã kiến nghị, để thực hiện hiệu quả, các cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng đất nông nghiệp tại các khu vực có điều kiện, đặc biệt là vùng ven sông, ngoài đê. Việc này không chỉ giúp giải quyết khó khăn trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mà còn thúc đẩy sản xuất bền vững, bảo vệ đất đai và nguồn nước cho các thế hệ tương lai.

Vườn nho hạ đen của hộ anh Nguyễn Hữu Hùng, ở xã An Thượng (huyện Hoài Đức). Ảnh: Trần Thụ
Vườn nho hạ đen của hộ anh Nguyễn Hữu Hùng, ở xã An Thượng (huyện Hoài Đức). Ảnh: Trần Thụ

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Mạnh Hưng cho biết, trên địa bàn huyện Ba Vì hiện có hàng chục nghìn héc ta đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và nhiều khu vực có hiện trạng đất là một phần đất ở nằm trên cùng thửa đất nông nghiệp. Vì vậy, huyện gặp phải nhiều khó khăn trong việc quản lý và phát triển các mô hình du lịch. Với việc Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, tạo ra những cơ hội mới cho Ba Vì để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, các chính sách này cần được thiết kế rõ ràng, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Việc giảm thiểu các rào cản về giấy tờ, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin phép đầu tư phát triển du lịch là những bước quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư và phát triển du lịch tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho rằng, việc sử dụng đất nông nghiệp theo hướng đa mục đích ở Hà Nội cần được điều chỉnh linh hoạt, tùy thuộc vào đặc thù của từng vùng. Đặc biệt, tại các khu vực đô thị, ven đô và những nơi có tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch, việc kết hợp nông nghiệp với các hoạt động thương mại và dịch vụ là hướng đi đầy triển vọng.

Trong các khu vực này, đất nông nghiệp có thể được chuyển đổi một phần để phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm hoặc khu kinh doanh dịch vụ hoa cây cảnh, nông sản. Bằng cách phát triển đa dạng các dịch vụ nông nghiệp sẽ tạo ra cơ hội việc làm mới và khuyến khích sự phát triển bền vững đất nông nghiệp ven đô, tránh tình trạng để đất nông nghiệp bỏ hoang, hoặc nông dân chán ruộng đồng, để hoang hóa.

Khi đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích, đối với các quận, huyện ven đô sẽ là không gian xanh, sinh thái, góp phần làm đẹp các vùng đất. Mặt khác, giúp quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở ven đô bớt khó khăn, nhức nhối, bức bách giữa nhu cầu phát triển kinh tế địa phương và hành lang pháp lý.

Để tận dụng tối đa cơ hội từ việc sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích, giải pháp quan trọng và hiệu quả là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Đây là cơ hội lớn để tối ưu hóa giá trị đất và thúc đẩy sự phát triển bền vững, song đồng thời cũng là thách thức lớn trong quá trình quản lý các mô hình sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại

Nguồn - Báo Kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 595
Tổng lượng truy cập: 25332407