Nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao
Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, để tạo sức cạnh tranh trên thị trường và nâng cao giá trị từ cây rau, Hợp tác xã đã đẩy mạnh tuyên truyền và yêu cầu các thành viên tuân thủ quy định sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, như: Đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng cách.
Nhờ chất lượng sản phẩm và xây dựng được thương hiệu, mỗi ngày, Hợp tác xã cung cấp khoảng 3,5 tấn rau trực tiếp đến các khách hàng, trong đó có 2 siêu thị Lotte và 21 siêu thị trong chuỗi BigC, Go, Tops; 4 công ty, nhà máy; 18 trường học và 3 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội; sản phẩm đa dạng về chủng loại, ổn định về sản lượng và đáp ứng tiêu chí “mùa nào sản phẩm ấy”, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh làm giàu từ trồng rau. Ảnh: Tùng Nguyễn
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào, đến nay, Hợp tác xã có hơn 500 hộ tham gia trồng rau VietGAP trên tổng diện tích 33,5ha.
Vùng sản xuất rau an toàn Tiền Lệ đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau. Thương hiệu, chất lượng, uy tín của rau an toàn Tiền Lệ đã được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và duy trì từ 5 đến 10 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng đạt gần 50% tổng sản lượng của toàn hợp tác xã.
Nhờ thương hiệu, rau Tiền Lệ đã cung cấp 12-14 tấn rau/ngày cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, bếp ăn công nghiệp, trường học trên địa bàn Thủ đô và đạt doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình trồng rau hữu cơ của Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, để bảo đảm chất lượng rau an toàn, hằng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn cho người dân, từ kỹ thuật sử dụng phân bón, tưới tiêu, cách phun thuốc bảo vệ thực vật và quy trình thu hoạch sản phẩm. Do vậy, nông dân ở các vùng trồng rau an toàn không chỉ cung cấp cho thị trường nguồn nông sản an toàn có tem nhãn nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mà còn giúp cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm sức khỏe cho chính người dân tham gia sản xuất do không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu độc hại; nhiều mô hình trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP cho giá trị kinh tế cao.
Chú trọng xây dựng thương hiệu rau an toàn
Hiệu quả mô hình trồng rau an toàn đã rõ, song trong quá trình sản xuất còn khó khăn, do quy mô sản xuất nhỏ, số lượng hộ nông dân sản xuất lớn (khoảng 120.000 hộ sản xuất rau). Việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân còn thiếu chặt chẽ, chưa hài hòa lợi ích giữa các bên, khiến hợp đồng tiêu thụ nông sản thường bị phá vỡ. Điều này dẫn tới tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu là qua kênh bán buôn tại các chợ đầu mối; nhiều vùng trồng rau an toàn đã được quy hoạch, nhưng chưa có khu chế biến rau an toàn riêng…
Mô hình trồng rau an toàn ở huyện Đông Anh mang lại giá trị cao cho người nông dân. Ảnh: Hương Giang
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, để nâng cao giá trị từ cây rau, huyện giao Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, hợp tác xã mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân, hướng dẫn nông dân giảm tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân vô sinh, nhằm hạn chế côn trùng, sâu, bệnh hại; khuyến cáo nông dân không sản xuất ồ ạt một loại rau, củ, quả, mà trồng rải vụ, sản xuất theo hợp đồng và nhu cầu thị trường, hạn chế tình trạng dư thừa nông sản.
Cùng với đó, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng nhãn hiệu tập thể rau Đông Cao (xã Tráng Việt), hỗ trợ mã vạch, truy xuất nguồn gốc và tem nhãn nhận diện sản phẩm rau an toàn; phối hợp với các sở, ngành thành phố đưa sản phẩm rau, củ, quả của huyện tham gia các hội chợ tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó quảng bá thương hiệu, từng bước nâng cao giá trị cây rau.
Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ánh Ngọc
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, để nông dân làm giàu từ sản xuất rau an toàn, các địa phương cần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm rau an toàn; đầu tư có trọng điểm các vùng trồng rau truyền thống, có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đủ điều kiện để sản xuất rau an toàn, thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm để nhân diện rộng.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đẩy mạnh tập huấn kiến thức về sản xuất rau an toàn cả ở các vùng chuyên canh, vùng sản xuất quy mô nhỏ, bảo đảm các vùng rau trên địa bàn thành phố đã sản xuất là an toàn; tăng cường tuyên truyền để người dân tin tưởng, sử dụng rau an toàn đã được cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng, giúp các hợp tác xã, nông dân sản xuất rau an toàn nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức quảng canh sang thâm canh liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị rau thành phẩm, phát triển vùng rau an toàn, bền vững.