Huyện Sóc Sơn có gần 13.400ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 9.500ha đất trồng lúa. Trên địa bàn huyện có 3 con sông và nhiều hồ đập, bảo đảm cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đặc biệt, thổ nhưỡng và khí hậu ở Sóc Sơn rất thích hợp để sản xuất giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng. Đây là giống lúa cổ được nông dân trong huyện sản xuất từ nhiều năm nay và được lựa chọn là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu của địa phương.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Văn Binh cho biết, giống lúa nếp cái hoa vàng được sản xuất đầu tiên ở xã Phú Minh từ những năm 1984 trên diện tích khoảng 20ha. Chất lượng gạo nếp cái hoa vàng ở xã Phú Minh được đánh giá là ngon nhất trong các loại gạo nếp với đặc trưng hạt to, tròn, hương thơm, dẻo, vị ngọt, rất hấp dẫn. Khi nấu chín, hạt trong, bóng, mềm, ráo, có giá trị dinh dưỡng cao; để lâu sau chế biến cũng không đổi hương vị...
Nhận thấy giống lúa nếp cái hoa vàng có giá trị, chất lượng cao, UBND huyện đã triển khai Đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, UBND huyện đã phục tráng giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng và mở rộng diện tích vùng sản xuất từ xã Phú Minh ra các xã khác. Cụ thể, năm 2015, giống lúa nếp cái hoa vàng được gieo trồng khoảng 200ha tại 3 xã: Tân Hưng 120ha, Phú Minh hơn 40ha, Bắc Phú hơn 30ha. Đến năm 2024, huyện đã mở rộng diện tích gieo trồng giống lúa này lên hơn 700ha, tập trung tại các xã: Bắc Phú 250ha, Tân Hưng 220ha, Trung Giã 45ha, Phú Minh 41ha, Việt Long 40ha, Hồng Kỳ 20ha, Minh Trí 15ha, Đức Hòa 15ha…
Tham gia sản xuất hơn 3 sào lúa nếp cái hoa vàng tại vụ mùa 2024, bà Nguyễn Thị Huấn (xã Minh Trí) đánh giá, giống lúa nếp cái hoa vàng có năng suất, chất lượng tốt, mang lại giá trị kinh tế cao vượt trội so với giống lúa tẻ như: Khang dân, TBR225, HD11. Cụ thể, so sánh đối ứng với giống lúa Khang dân có năng suất đạt 220-250kg/sào, nếp cái hoa vàng đạt 160-180kg/sào. Với giá bán thóc khô của Khang dân là 11.000-12.000 đồng/kg và nếp cái hoa vàng 22.000-25.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế từ canh tác giống lúa nếp cái hoa vàng cao hơn rõ rệt so với giống lúa Khang dân.
Như vậy, với 700ha sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại vụ mùa 2024, nông dân huyện Sóc Sơn thu được 105 triệu đồng/ha/vụ. Trừ các khoản chi phí về giống, phân bón, công cấy, làm đất... lợi nhuận mang lại cho nông dân 50-55 triệu đồng/ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, từ kết quả sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Kinh tế tiếp tục phối hợp các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội hỗ trợ các xã mở rộng diện tích sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo hướng hàng hóa. Từ đó, phát triển thương hiệu “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn”, xây dựng thành thương hiệu mạnh của huyện và thành phố Hà Nội. Trong đó, các hộ dân đăng ký tham gia được huyện hỗ trợ 50% giống, phân bón; ưu tiên đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất; xây dựng các chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo quy trình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ công tác đào tạo, quản lý, kỹ thuật chuyên ngành để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nông dân trong sản xuất và thâm canh lúa nếp cái hoa vàng đặc sản; cấp giấy chứng nhận vùng đủ điều kiện sản xuất sản phẩm VietGAP, hữu cơ; cấp mã vùng trồng và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhằm góp phần nâng cao giá trị thương hiệu gạo “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn”. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để Sóc Sơn mở rộng vùng sản xuất giống lúa đặc sản của huyện lên hơn 1.000ha…