Nâng cao nhận thức về sản xuất an toàn
Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, với diện tích khoảng 250ha, chủ yếu canh tác theo hướng an toàn và VietGAP, cung cấp lượng lớn rau củ các loại cho thị trường Hà Nội và tỉnh, thành phố. Để nâng cao chất lượng rau củ, huyện Mê Linh và hợp tác xã thường xuyên phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân; hướng dẫn bà con sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng thân thiện môi trường...
Người dân thôn Đông cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) sản xuất rau an toàn bảo đảm chất lượng. Ảnh: Tùng Nguyễn
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) Đặng Bá Thắng, hợp tác xã có diện tích trồng rau lớn (54,7ha), trong đó, diện tích được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 20ha. Trung bình sản lượng rau của hợp tác xã đạt 3 nghìn tấn/năm, chủ yếu là các loại rau theo mùa, như: Cà chua, súp lơ, bí, bắp cải, mướp, su hào, dưa chuột, rau muống... Để bảo đảm chất lượng rau, hợp tác xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện, thành phố mở các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh gây hại tổng hợp, tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, 100% phân bón là phân sinh học, phân gà ủ, thuốc bảo vệ thực vật được thay thế bằng các chế phẩm sinh học hoặc làm thủ công (làm cỏ, bắt sâu bọ bằng tay).
Vùng rau an toàn thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) canh tác theo hướng an toàn. Ảnh: Tùng Nguyễn
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết, để nâng cao nhận thức cho người sản xuất về sản phẩm rau an toàn, thời gian qua, chi cục đều phối hợp với các địa phương chuyển giao nhiều mô hình tiến bộ kỹ thuật trong canh tác rau an toàn, như sử dụng vải không dệt che phủ trên rau ăn lá (màng phủ passlite), hạn chế rau dập nát vào mùa mưa, giữ ấm cho rau vào mùa đông; sử dụng bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang gây hại; xây dựng và duy trì vận hành 52 mô hình áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng có sự tham gia (PGS) với diện tích hơn 2.000ha, nhằm bảo đảm chất lượng nội bộ, sản xuất theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng...
Bên cạnh đó, việc sản xuất rau an toàn còn góp phần thay đổi nhận thức cho người dân về sử dụng các loại thuốc sinh học, thân thiện môi trường. Do đó, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng giảm, người dân tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch. Đặc biệt, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây trồng của Hà Nội (trong đó có rau) là khoảng 200 tấn, bằng 0,3% so với toàn quốc (hơn 70.000 tấn). Tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép thấp, có khoảng 1-2% mẫu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép. Tuy nhiên, năng suất rau vẫn tăng mạnh, năm 2008 đạt 160 tạ/ha và năm 2023 đạt hơn 220,6 tạ/ha.
Chú trọng chất lượng
Hiện việc sản xuất rau an toàn còn khó khăn, do quy mô còn nhỏ lẻ, gây khó khăn trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, ở các vùng trồng rau, người trồng tự tìm nguồn tiêu thụ là chính, bán cho thương lái nên đầu ra chưa ổn định. Nông dân chưa quen sản xuất theo hợp đồng, tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa; chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài.
Mô hình trồng rau thủy canh ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) tuân thủ quy định về trồng rau theo hướng an toàn. Ảnh: Hương Giang
Để nâng cao hiệu quả cho các vùng trồng rau an toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp/quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPM/IPHM) trên cây rau theo hướng an toàn, hữu cơ.
Huyện xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đến hộ gắn với hệ thống bảo đảm, có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại do các sở, ngành thành phố tổ chức, hỗ trợ hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ rau an toàn với các siêu thị, doanh nghiệp…
Nông dân cần chú trọng sử dụng thuốc sinh học trong trồng rau an toàn. Ảnh: Hương Giang
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho rằng, để nâng cao hiệu quả vùng trồng rau an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, hướng tới xuất khẩu, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thông tin cụ thể về các loại thuốc cấm sử dụng, các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cho người dân, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để bảo vệ môi trường; thực hiện các lớp tập huấn IPM/IPHM, an toàn thực phẩm, thử nghiệm kỹ thuật mới trong sản xuất rau; cử cán bộ phối hợp với các địa phương tăng cường bám sát đồng ruộng, quản lý tại đồng ruộng, cung cấp nguồn rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng...