Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thụy Lâm Nguyễn Thị Cúc chia sẻ: Thụy Lâm có đất đai màu mỡ, địa chất phù hợp trồng trọt, nhất là lúa nước. Đặc biệt, từ lâu, vùng đất này đã gieo trồng giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng. Thụy Lâm hiện có khoảng 545ha nếp cái hoa vàng, thời vụ gieo cấy từ tháng Sáu âm lịch, thu hoạch vào khoảng tháng Mười một âm lịch hằng năm.
Từ vụ mùa năm 2010, được ngành Nông nghiệp Hà Nội tập huấn, hỗ trợ, nông dân xã Thụy Lâm đã mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác lúa theo phương pháp SRI. Theo đó, lượng phân bón, đặc biệt là thuốc trừ sâu được cắt giảm hơn một nửa so với trước đây, nhưng cây lúa đạt năng suất cao. Với chất lượng vượt trội, cuối năm 2013, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của xã Thụy Lâm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể.
“Không chỉ đạt sản lượng cao, chất lượng gạo nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã Nông nghiệp Thụy Lâm cũng ngon đứng đầu các loại lúa nếp trên thị trường. Gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm khi nấu lên, hạt trong và ráo, mềm nhưng không nát, hạt gạo đầy tròn, không vỡ, thơm, vị đậm. Đặc biệt khi nấu chín, xôi dẻo, hạt bóng, thơm nhẹ. Gạo nếp cái hoa vàng được chế biến thành nhiều món như xôi, bánh chưng, nấu rượu. Bánh chưng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng thường để được lâu mà không bị cứng hay thiu, mốc như một số loại giống lúa nếp khác. Cùng với bánh chưng, vào dịp Tết, nhà nào ở Thụy Lâm cũng nấu vài lít rượu bằng gạo nếp cái hoa vàng để thưởng thức, đãi khách và biếu người thân”, bà Cúc chia sẻ.
Sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, hợp tác xã nhận được sự hỗ trợ của huyện Đông Anh và ngành Nông nghiệp Hà Nội để phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường còn nhiều khó khăn. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà, để phát triển sản phẩm OCOP, Đông Anh đã dành kinh phí cho sản phẩm đạt chứng nhận nhằm xây dựng thương hiệu, kênh bán hàng, hỗ trợ hoạt động quảng bá thông qua hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại của huyện và thành phố. Tuy nhiên, để thúc đẩy tiêu thụ, các chủ sở hữu cần chủ động phát triển thương hiệu, xây dựng lộ trình tiêu thụ cụ thể.
Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho biết, tham gia Chương trình OCOP, nông dân, tổ hợp tác, các hợp tác xã cần thay đổi nhận thức về xây dựng câu chuyện cho sản phẩm; chăm chút khâu sản xuất; đầu tư bao bì, mẫu mã, nhãn hàng, thương hiệu gắn với đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường. “Các chủ thể OCOP cần quan tâm hơn đến bao bì, đặt tên sản phẩm. Thực tế, điều này chưa được chú trọng khiến sản phẩm OCOP không khai thác hết thế mạnh”, ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Khắc phục tồn tại, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thụy Lâm Nguyễn Thị Cúc cho biết, hợp tác xã đang tập trung thiết kế bao bì; đầu tư hệ thống thu hoạch, phơi, sấy, tập trung vào khâu chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã cũng xây dựng website giới thiệu sản phẩm trên internet...
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, danh mục sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều chủ thể sản xuất OCOP là hợp tác xã, hộ sản xuất đã chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ để có mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống. Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu; được người tiêu dùng ở thị trường có tiêu chuẩn cao như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... chấp nhận. Điều này khẳng định sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Về sản phẩm OCOP của Đông Anh, trong đó có gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm, liên tục có hướng phát triển, chủ động đổi mới sản xuất, tiếp cận thị trường, phát triển thương hiệu...