Hà Nội nhân rộng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn
Nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân xây dựng vùng sản xuất an toàn và kiểm soát chất lượng nông sản từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ. Qua đó, kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm trường hợp mất an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường...

.

san-pham-buoi-dien-cua-hop-.jpg
Sản phẩm bưởi Diễn của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Ánh Ngọc

Giám sát từ vùng sản xuất đến thị trường

Huyện Chương Mỹ có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, như: 39ha rau VietGAP, Global GAP (tại thị trấn Chúc Sơn và các xã: Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Thụy Hương); gần 100ha lúa VietGAP ở các xã: Hồng Phong 30ha, Đông Sơn 30ha, Lam Điền 30ha; 96ha lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và Việt Nam ở các xã: Đồng Phú, Nam Phương Tiến; bưởi VietGAP ở các xã: Nam Phương Tiến, Trung Hòa...

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) Lê Hữu Diện, để bảo đảm chất lượng, hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, không sử dụng phân bón hóa học mà dùng phân bón sinh học. Bưởi trồng theo hướng VietGAP sau khi thu hoạch có độ ngọt cao, ít sâu bệnh, vỏ vàng bóng đẹp, ruột thơm mát, tép bưởi căng mọng, vị ngọt thanh, không he đắng, để càng lâu, càng héo càng ngọt.

Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Đến nay, Hà Nội đã xây dựng, vận hành 52 mô hình áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia của tổ chức và cá nhân liên quan trực tiếp đến chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu thụ (PGS) trong sản xuất rau, diện tích áp dụng hơn 2.000ha. Theo đó, quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra, bảo đảm phát hiện, loại bỏ ngay nhóm sản xuất, sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của ngành Nông nghiệp đã cấp 7 giấy xác nhận mã số vùng trồng tại các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Hoài Đức, Phúc Thọ; khuyến khích, hỗ trợ triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình thâm canh bưởi theo hướng VietGAP, quy mô 13ha tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng với hơn 40 hộ tham gia; mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác bền vững, quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm ở các huyện: Đông Anh, Mỹ Đức, Mê Linh; mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, quy mô 25ha, triển khai tại các huyện: Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thanh Oai...

“Cùng với việc xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, từ đầu năm đến nay, Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội đã tổ chức lấy 1.027 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Kết quả phân tích 829/1.027 mẫu cho thấy: 198 mẫu chưa có kết quả, 793 mẫu đạt yêu cầu chỉ tiêu phân tích (chiếm 97%), 26 mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm (phát hiện dư lượng chất xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, 12 mẫu phát hiện chất không được quy định mức giới hạn tối đa cho phép đối với sản phẩm)... Ngoài ra, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng phân tích 391 mẫu nông, lâm, thủy sản với 22.886 lượt chỉ tiêu. Trong đó: 54 mẫu sản phẩm thịt; 39 mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản; 43 mẫu trái cây; 231 mẫu rau, củ, quả; 24 mẫu ngũ cốc và đã có 389/391 mẫu bảo đảm an toàn đối với chỉ tiêu được phân tích; 2/391 mẫu không bảo đảm an toàn với một số chỉ tiêu được phân tích”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vi phạm

Bên cạnh một số kết quả tích cực, hiện nay, việc nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn còn khó khăn do tỷ lệ nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp; sự liên kết, kết nối còn thiếu bền vững; công tác quản lý an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn...

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, thời gian tới, huyện tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tiến tới nhân rộng các vùng sản xuất an toàn gắn với chuỗi giá trị hàng hóa cao, bền vững; siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp, giám sát chặt chẽ công tác sơ chế, chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn thực phẩm; phấn đấu hằng năm, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai được một mô hình nông nghiệp an toàn và giám sát chất lượng trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, để kiểm soát chất lượng nông sản an toàn từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn; khuyến khích, hỗ trợ triển khai mô hình sản xuất tốt theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao...

Ngoài ra, Sở phối hợp với các địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết an toàn. Đồng thời, Sở tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại. Đặc biệt, trong các tháng cuối năm, sẽ tập trung kiểm tra, giám sát nhóm sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn, nguy cơ cao...

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4579
Tổng lượng truy cập: 24888394