Hướng tới vụ lúa mùa thắng lợi: Bảo đảm cơ cấu giống, khung thời vụ tốt nhất
Hiện tại, các địa phương đã thu hoạch xong lúa xuân và đang gieo mạ, làm đất gieo cấy vụ mùa. Tuy nhiên, vụ sản xuất này gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, các đối tượng sâu, bệnh hại phát triển.

Do đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội khuyến cáo nông dân cần gieo cấy loại giống lúa kháng bệnh tốt, đúng khung thời vụ để có một vụ mùa thắng lợi.

nong-dan-xa-doc-tin-huyen-.jpg
Nông dân xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức) làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ mùa. Ảnh: Ánh Ngọc

Toàn thành phố gieo cấy hơn 70.667ha

Trong những ngày này, mặc dù thời tiết rất nắng nóng, oi bức, nhưng trên khắp các cánh đồng của Hà Nội, người dân vẫn khẩn trương làm đất, lấy nước để gieo cấy lúa vụ mùa.

Bà Lê Thị Yến, ở xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) chia sẻ, vụ mùa năm nay, gia đình bà gieo cấy hơn 4 sào lúa, với giống chủ lực là BC15 và Nhị ưu 838. Điểm thuận lợi là do áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất nên từ ngày 20 đến 24-6, gia đình sẽ tập trung gieo cấy hết diện tích trong khung thời vụ tốt nhất.

Cũng như gia đình bà Yến, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn thành phố đang tập trung làm đất, lấy nước để sản xuất vụ lúa mùa. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết, theo kế hoạch, vụ mùa năm 2024, toàn thành phố gieo cấy 70.667,7ha lúa, năng suất dự kiến đạt 59,6 tạ/ha. Thành phố tập trung gieo cấy các giống lúa, như: Lúa thuần chất lượng (BT7, HDT10, HD11, TBR225, VNR20, VNR10, TBR 89, TBR279, ĐB18, Đài thơm 8...), lúa nếp (nếp 87, nếp 97, nếp cái hoa vàng...), chiếm hơn 62% tổng diện tích. Giống lúa thuần năng suất (Khang dân, Thiên ưu 8, TBR45, TBR 36, BC 15 (kháng đạo ôn) chiếm 35-37% diện tích; giống lúa lai (Nhị ưu 838, TH3-5, TH3-3…) và giống khác chiếm khoảng 3-5% diện tích.

Tính đến ngày 17-6, toàn thành phố đã gieo được 3.109,5ha mạ; huy động phương tiện, máy móc làm được 46.493ha đất (đạt gần 66% tổng diện tích); diện tích lúa đã cấy là 1.630ha, đạt 2,3% so với kế hoạch, trong đó riêng lúa gieo sạ là 1.046,5ha…

Trao đổi thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Đào Xuân Hồng Hải cho biết, vụ mùa năm 2024, thị xã dự kiến gieo cấy 750ha. Căn cứ vào khung lịch thời vụ, cơ cấu giống, thị xã đã xây dựng phương án sản xuất vụ mùa bám sát thực tế. Cùng với đó, thị xã đã hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật thâm canh và áp dụng cơ giới hóa vào gieo cấy; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp thủy lợi điều tiết và cung cấp đủ nước sản xuất. Đến nay, thị xã Sơn Tây đã làm đất được 76ha, diện tích có nước là 83ha và cấy được 15ha.

Thực hiện theo đúng hướng dẫn

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ tháng 5 đến tháng 7-2024, nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với cùng thời kỳ, gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng.

Do đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội khuyến cáo nông dân bám sát khung lịch thời vụ, như: Đối với mạ gieo sớm và cực sớm, cần tập trung cấy từ ngày 12-6 đến 20-6; trà chính vụ gieo mạ từ ngày 10-6 đến 20-6, cấy từ ngày 20-6 đến 5-7; gieo thẳng từ ngày 10-6 đến 20-6. Các địa phương phấn đấu gieo cấy trà cực sớm và sớm xong trước ngày 30-6.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cây lúa trong vụ mùa, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy thông tin, hợp tác xã đã hướng dẫn người dân lựa chọn cấy các giống lúa ít nhiễm bệnh và áp dụng biện pháp thâm canh cải tiến, bón phân cân đối, bón thúc sớm, giữ nước, phấn đấu gieo cấy nhanh gọn, đúng khung thời vụ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp thủy lợi theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn để thực hiện phương án điều tiết nước phù hợp, nhằm bảo đảm an toàn và vận hành hiệu quả các hồ chứa nước theo quy trình được phê duyệt; đồng thời, có phương án tích nước hợp lý phục vụ sản xuất. Cùng với đó, bảo đảm cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất, có phương án đề phòng hạn đầu vụ mùa và chủ động tiêu nước khi có mưa lớn xảy ra. Các địa phương cũng cần rà soát, xây dựng phương án phòng, chống ngập úng, xác định những diện tích có nguy cơ ngập úng cao để theo dõi chặt chẽ và kịp thời khoanh vùng tiêu úng nhanh khi mưa lớn xảy ra. Đặc biệt, các địa phương cần chủ động rà soát diện tích ở những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, nhất là ở vùng cao, vùng khó khăn về nguồn nước để chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu phù hợp khác như ngô, đậu tương, lạc...

“Các địa phương khuyến cáo nông dân tích cực gieo mạ, làm đất theo kế hoạch và chủ động áp dụng quy trình thâm canh, các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp đã đề ra để hướng đến một vụ mùa thắng lợi”, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8513
Tổng lượng truy cập: 25332407