Xây dựng các chuỗi liên kết trồng trọt: Giảm khâu trung gian, gia tăng giá trị
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi ổn định từ sản xuất đến sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm trồng trọt (rau, củ, lúa…).

Các mô hình sản xuất theo chuỗi không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất hiện đại, kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm, giảm khâu trung gian, gia tăng giá trị sản phẩm.

trong-rau.jpg
Chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn tại xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) góp phần tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Đỗ Tâm

Những mô hình cho giá trị kinh tế cao

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy cho hay, vụ xuân vừa qua, hợp tác xã sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, với diện tích 100ha tại huyện Ứng Hòa. Hợp tác xã được huyện hỗ trợ 100% kinh phí giống lúa và 100% kinh phí phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, phân bón. Hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với 2.181 hộ dân trong 10 hợp tác xã của 10 thôn trên địa bàn các huyện lân cận và bao tiêu 100% sản phẩm lúa cho nông dân khi vào vụ thu hoạch.

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã đã liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Trung bình mỗi vụ, hợp tác xã tiêu thụ khoảng 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho nông dân trên địa bàn huyện với giá thành ổn định.

Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, huyện đang phát huy hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn tại xã Yên Mỹ và xã Duyên Hà. Đến nay, có hơn 200 hộ ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo chuỗi với Hợp tác xã An Phát, Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Đại Lan, Công ty Davicop... Khi sản xuất theo chuỗi, các công ty thu mua sản phẩm ổn định (khoảng 30% sản lượng) và cao hơn giá thị trường khoảng 10-15%, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Để duy trì mô hình liên kết chuỗi, huyện Thanh trì đã hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia mô hình.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng thông tin, vụ xuân năm 2024, có nhiều mô hình liên kết chuỗi trong trồng trọt phát huy hiệu quả, như: Lúa chất lượng cao tại huyện Ứng Hòa, rau an toàn ở huyện Thanh Trì...

Ngoài ra, mô hình trồng ớt liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 (huyện Đan Phượng) với các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ… cho giá trị kinh tế cao. Theo Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 Bùi Thiên Trưởng, công ty đã cung cấp giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Đến nay, Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi, trong đó có 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Tham gia các mô hình chuỗi liên kết, nông dân được hướng dẫn quy trình sản xuất, cách quản lý, tổ chức sản xuất cộng đồng; ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Cùng với đó, sản phẩm được bao tiêu và không bị thương lái ép giá. Đối với các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng cao, sản lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chủng loại giống, chất lượng sản phẩm và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

Kiểm soát chất lượng

Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã đem lại lợi ích cho hợp tác xã và người dân, góp phần giảm bớt nhiều khâu trung gian, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm... Tuy nhiên, các chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, chủ yếu theo hình thức “thuận mua, vừa bán”, dẫn đến hợp đồng dễ bị phá vỡ…

Để phát huy hiệu quả hoạt động chuỗi liên kết sản xuất nói chung và trồng trọt nói riêng, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai) Bùi Hạnh Hiếu cho rằng, các địa phương cần quy hoạch để xây dựng các vùng sản xuất với quy mô và chủng loại nông sản phù hợp, áp dụng các phương pháp sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm chất lượng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ lớn, giá cả ổn định. Ngoài ra, Hà Nội cần chú trọng xây dựng mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin vùng sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng chất lượng.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khẳng định, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục mở rộng và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó có sản phẩm trồng trọt. Các địa phương chú trọng xây dựng cánh đồng mẫu lớn để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hà Nội cũng có những chính sách để phát huy hiệu quả các chuỗi liên kết, như: Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản.

Bên cạnh đó, các địa phương hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kết nối thị trường cho các hợp tác xã để làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp...; thường xuyên đánh giá, dự báo cung cầu hàng hóa nông sản của thị trường để giúp các chuỗi điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh hợp lý. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động phối hợp với bưu điện các tỉnh, thành phố đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử PostMart.vn và Voso.vn; thành lập các cửa hàng nông sản an toàn tại một số địa phương, nhằm giới thiệu sản phẩm trồng trọt chất lượng đến người tiêu dùng trên địa bàn cả nước..., tạo đầu ra ổn định cho các chuỗi liên kết.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8706
Tổng lượng truy cập: 25332407