Niềm vui trên những cánh đồng
Nhờ chủ động nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất lúa kết hợp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đúng thời điểm nên hầu hết diện tích lúa ở các địa phương của thành phố Hà Nội đều sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Phùng Xuân Hùng ở xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) cho biết: "Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo trồng 4 sào ruộng. Nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh gây hại nên được mùa, năng suất lúa đạt hơn 65 tạ/ha. Đặc biệt, năm nay chi phí vật tư nông nghiệp giảm so với các năm trước, lúa bán được giá, nông dân rất phấn khởi. Đây là động lực để nông dân tiếp tục sản xuất vụ mùa"...
Trong nắng hè oi bức, tại nhiều cánh đồng ở xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức), tiếng máy gặt đập liên hợp rền vang hòa cùng tiếng cười nói rôm rả của nông dân. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Hà Tuyển cho biết, vụ xuân năm nay, lúa được mùa, được giá, gặt xong chỉ cần phơi nắng khoảng 1 ngày là thương lái tới thu mua với giá 9.000-10.000 đồng/kg, cao hơn 10% so với vụ xuân năm 2023.
Tại Ứng Hòa, vụ xuân 2024, toàn huyện gieo cấy hơn 8.285ha, trong đó, giống lúa chất lượng cao chiếm 86,2%. Hiện nông dân đang tập trung thu hoạch, dự kiến đầu tháng 6 sẽ hoàn thành, năng suất ước đạt 67,2 tạ/ha.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng, vụ xuân năm nay, toàn thành phố gieo cấy khoảng 81.000ha lúa. Mặc dù gặp một số bất lợi về thời tiết, sâu gây hại nhưng ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực chỉ đạo nông dân bám sát khung lịch thời vụ, sử dụng giống lúa chất lượng tốt để gieo trồng, chăm sóc nên hầu hết năng suất đạt cao. Đến ngày 29-5, toàn thành phố đã thu hoạch khoảng 16% diện tích, năng suất ước đạt 62,57 tạ/ha.
Thu hoạch đến đâu, làm đất đến đó
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, cùng với đôn đốc nông dân thu hoạch lúa xuân, huyện chuẩn bị tốt điều kiện cho sản xuất vụ mùa. Vụ mùa năm 2024, diện tích lúa toàn huyện khoảng 850ha, năng suất phấn đấu đạt 55 tạ/ha, sản lượng thóc 4.675 tấn. Để bảo đảm lịch thời vụ vụ mùa, huyện chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đôn đốc thu hoạch nhanh gọn lúa xuân với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, triển khai ngay gieo mạ, làm đất, cấy lúa.
Cùng với đó, huyện rà soát, chủ động phương án chuyển đổi diện tích vùng khó khăn về nước tưới sang cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn như ngô, lạc, đậu tương, rau các loại... Huyện tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, chủng loại giống, vật tư phục vụ sản xuất; tuyên truyền người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh, để bảo đảm năng suất, sản lượng lúa vụ mùa, trung tâm tăng cường cán bộ kỹ thuật triển khai tập huấn cho nông dân về lịch thời vụ, cơ cấu giống, bón phân cân đối, thực hiện phòng trừ sâu bệnh hại; áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nhằm kịp thời vụ, giảm công lao động, giúp lúa sinh trưởng, phát triển đồng đều, giảm sâu bệnh...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở tăng cường chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa xuân đã chín để giải phóng đất gieo cấy lúa mùa, thực hiện thu hoạch đến đâu, làm đất đến đó. Song hành, các đơn vị tăng cường nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêu úng khi có mưa lớn; cung cấp đủ nước làm đất, gieo cấy kịp thời vụ; huy động nhân lực, máy móc tập trung làm đất, vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi gặt... Toàn thành phố phấn đấu vụ mùa 2024 gieo trồng 70.667ha lúa, năng suất 59,6 tạ/ha; nông dân tiếp tục có thêm những mùa vàng bội thu…
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Trần Đức Thanh:
Lúa xuân đạt năng suất, chất lượng cao
Vụ xuân 2024, toàn huyện Thạch Thất gieo cấy 3.872,4ha. Để vụ xuân thắng lợi, huyện thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo; ban hành các văn bản hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh cho lúa và cây màu vụ xuân đầy đủ, kịp thời nên đã phòng trừ được hơn 1.000ha lúa nhiễm sâu bệnh. Cùng với đó, huyện cấp phát 6.000 bẫy bán nguyệt cho các xã, thị trấn để diệt chuột; tổ chức 25 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, cây màu vụ xuân, hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng với gần 3.000 học viên ở các xã, thị trấn tham gia…
Nhờ đó, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Đến ngày 27-5, diện tích lúa đã thu hoạch là 1.279,5ha, đạt 32,7% diện tích gieo cấy. Qua kiểm tra, đánh giá, năng suất lúa bình quân toàn huyện ước đạt 65,95 tạ/ha, tăng 1,45 tạ/ha so với kế hoạch, sản lượng ước đạt 25.828,66 tấn. Một số xã có năng suất lúa bình quân đạt trên 66 tạ/ha như: Hạ Bằng, Dị Nậu, Cần Kiệm, Đồng Trúc, Cẩm Yên...
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên:
Gạo tiêu thụ ổn định
Vụ xuân 2024, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng gieo trồng 730ha lúa, trong đó chủ yếu là giống lúa chất lượng cao như nếp cái hoa vàng, Bắc thơm số 7.
Hiện thành viên hợp tác xã tập trung thu hoạch trà lúa xuân sớm có năng suất, chất lượng cao. Để lúa xuân phát triển tốt, hợp tác xã đã tổ chức tập huấn cho nông dân kỹ năng, kỹ thuật canh tác từ sản xuất lúa truyền thống sang trồng lúa hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP... Ngoài ra, hợp tác xã cũng hỗ trợ công tác thủy lợi, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là bao tiêu sản phẩm.
Để bảo đảm thị trường ổn định, hợp tác xã liên kết với Viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, Công ty cổ phần Chế biến nông sản Bảo Minh trong cung ứng giống, chuyển giao công nghệ gieo trồng, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 10-20 tấn gạo; những tháng cao điểm, dịp cuối năm có thể lên tới 40 tấn gạo/tháng... Nói chung, đến lúc này khâu tiêu thụ gạo cho người nông dân vẫn đang ổn định.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Miêng Hạ (huyện Ứng Hòa) Nghiêm Văn Nghị:
Thu hoạch lúa nhanh gọn
Vụ xuân này, Hợp tác xã Nông nghiệp Miêng Hạ gieo trồng hơn 200ha lúa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên thành viên hợp tác xã đều thực hiện đúng quy trình canh tác, thường xuyên thăm đồng, chủ động chăm sóc, kiểm tra, quản lý tốt tình hình dịch bệnh, kịp thời có biện pháp phòng trừ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thu hoạch lúa xuân, hợp tác xã chủ động rà soát nắm tình hình máy gặt đập liên hợp, hợp đồng với các chủ máy, tranh thủ thời tiết nắng ráo, thu hoạch lúa nhanh gọn, tạo quỹ đất cho sản xuất vụ mùa kịp thời vụ. Dự báo năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, hợp tác xã khuyến cáo nông dân thu hoạch đến đâu tiến hành làm đất tới đó để tranh thủ nguồn nước, ưu tiên lựa chọn giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh, chịu hạn; tập trung làm thủy lợi bảo đảm nước tưới cho cây trồng. Đối với những diện tích khó khăn về nước tưới, chính quyền địa phương khuyến khích nông dân chủ động chuyển sang trồng cây màu, cây công nghiệp có giá trị cao...