Đến nay, HTX đã có 2.000 thành viên sản xuất rau với quy mô 46ha đất sản xuất, trong đó có 33,6ha được chứng nhận VietGAP với năng suất 3.290 tấn/năm. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất rau an toàn được đầu tư khang trang: Nhà lưới, đường bê tông nội đồng, giếng khoan, bể chứa,… đầy đủ. Đặc biệt nông dân ở đây thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn, quy trình sơ chế, thu hoạch sản phẩm,… nên người nông dân Tiền Lệ rất thành thạo kỹ năng sản xuất rau an toàn theo đúng quy chuẩn VietGAP.
Thế mạnh của HTX NN Tiền Lệ là sản xuất các loại rau ăn lá, rau theo mùa vụ: cải ngồng, cải mơ, cải canh, cải ngọt, cải bó xôi, cải chíp, cải cúc, rau mồng tơi, rau muống, rau dền,… HTX NN Tiền Lệ đã được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cấp giấy chứng nhận VietGAP trên diện tích sản xuất 33,6ha; được phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận là đơn vị đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh rau an toàn các loại; được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Tiền Lệ”; được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận 4 sản phẩm gồm rau dền, rau mồng tơi, rau cải ngồng và rau cải mơ đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ đang định hướng sang trồng rau hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Phó giám đốc HTX rau an toàn Tiền Lệ Nguyễn Khắc Bút cho biết: Hiện tại 70% số lượng rau an toàn của HTX đã được các đơn vị, doanh nghiệp, chủ cửa hàng đến thu mua trực tiếp và sản phẩm rau an toàn Tiền Lệ đã có mặt ở nhiều siêu thị, bếp ăn tập thể của các bệnh viện, trường học, các tòa văn phòng,… trên địa bàn Hà Nội. Mỗi ngày, vùng rau an toàn Tiền Lệ xuất ra thị trường từ 5 - 7 tấn rau an toàn các loại. Thương hiệu, chất lượng, uy tín của rau an toàn Tiền Lệ đã được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và duy trì từ 5 - 10 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng. Trong quá trình liên kết với các doanh nghiệp, HTX đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, diện tích canh tác, giám sát từ khi gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Qua đó, đảm bảo sản lượng, chất lượng khi cung cấp cho thị trường. Việc liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ đã tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của HTX với giá thành cao, qua đó, thu nhập của các xã viên cũng được tăng lên.
Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là mô hình mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn, chất lượng. Mô hình liên kết sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Tiền Lệ là một trong những mô hình liên kết tiêu biểu của Thành phố, mở ra nhiều triển vọng phát triển và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên Hợp tác xã./.