Doanh thu 500 triệu đồng mỗi năm
Giai đoạn 1990 - 1995, tại xã Tích Giang chỉ có một vài hộ trồng hoa, cây cảnh trong chậu. Số ít hộ thực hiện việc cắt tỉa, tạo thế. Những người khởi xướng cho phong trào trồng hoa, cây cảnh được nhắc đến nhiều nhất là các ông Đỗ Xuân, Nguyễn Văn Ước, Nguyễn Tiến Cát…
Bước sang giai đoạn 1995 - 2000, nhiều nông hộ trên địa bàn xã đã đến học hỏi kinh nghiệm từ nhóm nông hộ đi trước. Năm 2005, phong trào trồng, hoa cây cảnh tại xã Tích Giang nở rộ. Hội Sinh vật cảnh của xã cũng được ra đời, hỗ trợ hội viên chăm sóc, tạo thế cây cảnh (sanh, si, đa, tùng).
Người dân xã Tích Giang chăm sóc hoa, cây cảnh.
Giai đoạn 2010 - 2012, nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Tích Giang bước vào giai đoạn trầm lắng. Trong cái khó, ló cái khôn, người dân nơi đây chuyển hướng sang trồng đa dạng các loại cây khác như cây công trình, hoa cắt cành, các loại chậu hoa treo (dạ yến thảo, cúc, hoàng thảo); các chậu hoa mini trang trí trong nhà…
Hiện, ở xã Tích Giang, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới. Điển hình như các hộ ông, bà: Đỗ Hồng Tiến, Kiều Bình Thanh, Kiều Bình Huấn, Hà Văn Chu, Hoàng Văn Trào, Khuất Văn Đức… Doanh thu của các hộ đều ổn định, bình quân đạt trên 500 triệu đồng/năm.
Ông Hoàng Văn Trào cho biết, ở xã Tích Giang, người dân trồng hoa, cây cảnh quanh năm, đa dạng, theo từng thời điểm. “Gia đình tôi có hơn 1ha trồng hoa hồng thế và đồng tiền. Hai năm gần đây gia đình đầu tư nhà màng, nhà lưới để chăm sóc hoa nên doanh thu mang lại đạt hơn 1 tỷ đồng mỗi năm…” - ông Trào cho hay.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Đoàn ở thôn 6 (xã Tích Giang) chia sẻ gia đình hiện trồng đa dạng các loại hoa, cây cảnh như: Tường vi, nguyệt quế, hoa giấy. Ngoài ra còn có cúc cổ Sơn La, cúc cổ Sa Pa, hồng đào… nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường. Doanh thu cũng đạt hơn 500 triệu đồng mỗi năm.
Phát triển nhãn hiệu “Du lịch Tích Giang”
Theo thống kê của UBND xã Tích Giang, toàn xã có gần 600 hộ trồng hoa, cây cảnh, với tổng diện tích hơn 95ha. Số lao động tham gia làm nghề lên tới gần 1.000 người, chiếm khoảng 15% tổng số lao động trên địa bàn xã.
Nghề trồng hoa, cây cảnh đang mang lại khoảng 156 tỷ đồng mỗi năm, chiếm gần 25% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của xã Tích Giang. Trừ chi phí sản xuất, thu nhập của các hộ trồng hoa, cây cảnh hiện đạt bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm.
Nghề trồng hoa, cây cảnh chiếm khoảng 25% tổng giá trị kinh tế toàn xã Tích Giang.
Chủ tịch UBND xã Tích Giang Nguyễn Đức Chung chia sẻ, đất nông nghiệp tại xã Tích Giang tuy rộng nhưng khó canh tác. Vùng đồi gò canh tác lúa thường xuyên thiếu nước, vùng trũng lại ngập úng triền miên. Từ khi chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh, đời sống của người dân nơi đây cũng thay đổi từng ngày.
Để thúc đẩy ngành nghề nông thôn này, UBND huyện Phúc Thọ đã phê duyệt Đề án “Phát triển hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái xã Tích Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Tổng diện tích theo quy hoạch vào khoảng 140ha. Đề án đang được huyện tích cực triển khai.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, sau khi được UBND TP Hà Nội công nhận “Làng nghề hoa cây cảnh Tích Giang” hồi đầu năm 2023, mới đây, UBND xã Tích Giang tiếp tục được TP Hà Nội cho phép sử dụng địa danh Tích Giang để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Du lịch Tích Giang” cho các dịch vụ du lịch ở xã Tích Giang.
Hiện, Phòng Kinh tế huyện đang phối hợp phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tập trung xây dựng nhãn hiệu “Du lịch Tích Giang”. Với những tiền đề thuận lợi, địa phương kỳ vọng có thể phát triển xã Tích Giang thành trung tâm thương mại, chợ hoa, cây cảnh, và là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách thập phương.