Theo UBND huyện Ba Vì, tổng diện tích đất tự nhiên là 19.943,63 ha, chiếm 47% diện tích toàn huyện, trong đó đất nông nghiệp 6.126,06 ha, đất rừng (lâm nghiệp) 9.463,86 ha. Đất ở 599,29 ha. Tổng dân số các xã miền núi là 69.9169 người, chiếm gần 26% dân số của huyện, trong đó người dân tộc thiểu số là 26.542 người chiếm 38,4% số dân các xã miền núi.
Hiện nay kinh tế dịch vụ - du lịch miền núi đang phát triển, đóng góp trên 50% cơ cấu kinh tế miền núi nhưng quy mô nhỏ lẻ. Các mô hình kinh tế lớn và chủ yếu vẫn là trồng trọt và chăn nuôi. Một số cây trồng vật nuôi trên địa bàn đang phát triển mạnh thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như Vùng chè ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài với tổng diện tích trên 1.600 ha giữ vững và phát triển thương hiệu Chè Ba Vì, Vùng sản xuất cây dong giềng - cây trồng chủ lực là nguồn thu chủ yếu của nhân dân một số thôn trong vùng.
Đặc biệt chăn nuôi gia súc và gia cầm phát triển mạnh, trong đó nổi bật là chăn nuôi gia cầm tập trung tại các xã Ba Trại, Tản Lĩnh, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa vươn lên làm ăn khá và giàu, thu nhập mỗi tháng từ 30 đến 50 triệu. Thực hiện tốt công tác trồng rừng, phát triển và bảo vệ rừng. Khai thác có hiệu quả lợi ích kinh tế - xã hội rừng, hàng năm trồng mới trên 150 ha rừng. Các ngành nghề công nghiệp tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, chủ yếu là sửa chữa cơ khí và chế biến thực phẩm, lâm sản. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn miền núi khoảng 15 triệu đồng/năm, cá biệt xã Ba Vì 7,4 triệu đồng.
Về công tác quản lý đất đai vườn Quốc gia Ba Vì, tổng diện tích vườn từ danh giới cost 100m trở lên là 6.136,7 ha, trong đó xã Yên Bài là 818,2 ha, Vân Hòa 1.141,9 ha, Tản Lĩnh 173 ha, Minh Quang 677 ha, Ba Vì 2.212 ha, Khánh Thượng 1.020 ha. Diện tích để bàn giao về cho 7 xã miền núi quản lý theo quyết định 539 của UBND tỉnh Hà Tây là 297.5 ha, trong đó Yên Bài được 135,6 ha, Vân Hòa 76,6 ha. Ba Trại 7,8 ha, Minh quang 20,2 ha, Ba Vì 8,9 ha, Khánh Thượng 49,4 ha hiện nay trên thực địa chưa bàn giao 76,6 ha cho xã Vân Hòa, 20,2 ha cho xã Minh Quang.
Bên cạnh đó, mốc giới, ranh giới khó xác định của Vườn Quốc gia Ba Vì với khu vực giao cho người dân. Vườn Quốc gia Ba Vì chưa thanh lý dứt điểm các hợp đồng khoán chăn sóc bảo vệ rừng với các hộ trước đây nên gây khó khăn trong công tác quản lý, giao cho thuê tiếp theo. Các hộ dân đặc biệt là xã Ba Vì không còn đất để sản xuất nông nghiệp dẫn đến một số kiến nghị của các hộ dân lên các cấp yêu cầu trả lại diện tích đất tự nhiên từ cost 400 trở xuống để làm rừng, sản xuất kết hợp với sản xuất nông nghiệp giao cho hộ dân tại địa phương để có thêm đất sản xuất nông nghiệp. Hiện nay vườn Quốc gia còn để tồn tại là chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao 9400 m2 đất cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị làm nhà ở, đất làm vườn và làm đường giao thông trong khu tập thể chưa được xử lý.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, thành phố luôn bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô; trong đó vườn quốc gia Ba Vì là nơi lưu trữ nguồn tài nguyên động thực vật phong phú vì vậy rừng và công tác quản lý bảo vệ rừng có vị trí hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội. Thành phố Hà Nội thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Thành phố đặc biệt quan tâm đến làm đảm bảo đời sống của đồng bào dân tộc gắn với phát triển và bảo vệ rừng.
Trong thời gian tới thành phố sẽ xác định mốc giới đánh giá hiện trạng rừng, rà soát việc giao đất giao rừng cho người dân đồng thời tuyên truyền cho người dân biết về chính sách phát triển và bảo vệ rừng của trung ương và thành phố. Việc giao đất giao rừng sẽ phải thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật đồng thời phù hợp với tình hình thực tế, trong quá trình rà soát công tác quản lý cũng xử lý nếu phát hiện các vi phạm về trách nhiệm bảo vệ rừng. Phó chủ tịch giao cho huyện sẽ phối hợp với xã và các sở ngành tập trung rà soát quy hoạch lại các loại cây trồng dưới cost 100, xây dựng các loại cây rừng cho phù hợp vói từng địa hình, loại đất đồng thời đánh giá rừng vị trí của Vườn Quốc gia Ba Vì để có sự quản lý một cách chặt chẽ hiệu quả.
Thành phố cũng rà soát từng trường hợp về xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu dân cư để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất đồng thời bảo vệ rừng. Trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ xây dựng các đề án phát triển sản xuất cho từng các đồng bào dân tộc cho phù hợp với từng đặc tính riêng của đồng bào, thành phố cũng sẽ đầu tư ngân sách cho để người dân vừa bảo vệ vừa chăn sóc và khai thác nguồn lợi từ rừng một cách hiệu quả, phù hợp.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao công tác bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia Ba Vì cũng như công tác quản lý bảo vệ rừng của thành phố Hà Nội trong thời gian qua, không để xảy ra tình trạng cháy rừng lớn. Bộ trưởng nhấn mạnh sự phát triển bền vững cần được xây dựng trên nền tảng của 3 nhân tố chính là: môi trường bền vững, kinh tế bền vững và xã hội bền vững. các nhân tố này đều có mối liên hệ với nhau một cách chặt chẽ và có những ý nghĩa khác nhau. Trong thời gian tới, để phát huy được hiệu quả trong công tác giao đất giao rừng, khu vực có người dân canh tác Bộ trưởng giao cho Tổng Cục Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các đơn vị chọn các giống cây phù hợp với đặc trưng của từng khu vực, với địa hình. Bộ trưởng nhấn mạnh việc phát triển các cây rừng mới cần có lộ trình cụ thể, bàn cho những hộ dân trồng và chăm sóc rừng, cho thuê đất phát huy hiệu quả. Việc thỏa thuận giữa người dân và đơn vị quản lý nhà nước phải có văn bản rõ ràng nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiên.
Bộ trưởng giao cho Vườn Quốc gia Ba Vì có kế hoạch cụ thể làm việc với từng xã để rà soát và giao các diện tích đất dưới cost 100m. Đồng thời làm rõ các vướng mắc về ranh giới trên thực tế giữa diện tích Vườn quốc gia Ba Vì với diện tích sản xuất của địa phương và cắm mốc để tất cả mọi người dân đều biết.
Ở những ngọn đồi độc lập Vườn Quốc gia Ba Vì cần giao lại cho người dân chăm sóc phát triển, thành phố Hà Nội cần tích cực phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt các đề án về phát triển các cây trồng cho giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và phát huy được kinh nghiệm canh tác truyền thống, như các cây dược liệu, cây gỗ quý, cây thuốc nam…Bộ trưởng nhấn mạnh, việc cho phép khai thác ồ ạt ở khu vực rừng tự nhiên là hoàn toàn không được phép, các đơn vị thuộc bộ và thành phố cần xác định rừng là tài nguyên vô giá cho thế hệ mai sau.