Hiệu quả từ những vùng sản xuất chuyên canh
Thời gian qua, nông dân Hà Nội tích cực tích dồn điền, đổi thửa tập trung ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Qua đó, không những đem lại hiệu quả kinh tế mà từng bước thay đổi tư duy hướng đến nền sản xuất quy mô lớn…


 

Mô hình nhà lưới trồng rau an toàn tại xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức

 

Chuyển đổi tư duy sản xuất lớn

 

Các xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), Tráng Việt (huyện Mê Linh), Vân Nội (huyện Đông Anh) và phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông)… là “vựa” rau, củ, quả truyền thống của Hà Nội. Diện tích trung bình các vùng trồng rau của các địa phương này từ 10 - 15ha, có vùng diện tích trên 100ha. Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho hay, các vùng đều ứng dụng ít nhất một trong những công nghệ tiến bộ vào canh tác, như: Sử dụng giống chất lượng cao, sản xuất rau an toàn, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, có sử dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới… nên chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Có nhiều chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau đã hình thành, phát triển có hiệu quả với quy mô sản xuất lớn, chẳng hạn như: chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau do Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Thanh niên Vân Nội (huyện Đông Anh) chủ trì với diện tích 120ha; chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) chủ trì với quy mô 250ha…

 

Kết quả rà soát các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, toàn Thành phố có 6.533ha canh tác rau chuyên canh tại 145 xã, phường của 19 quận, huyện, thị xã, chiếm 53,3% diện tích canh tác rau và khoảng 60% sản lượng rau toàn thành phố. Hà Nội còn có 41.887ha trồng lúa chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa tại 226 xã ở 15 huyện, thị xã, chiếm 45% diện tích đầu lúa hai vụ của Thành phố; diện tích trung bình một vùng từ 20 đến 50ha. Diện tích canh tác hoa, cây cảnh chuyên canh tập trung là 2.076ha tại 93 xã của 14 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 70% diện tích canh tác hoa, cây cảnh và khoảng 75% sản lượng hoa, cây cảnh của Thành phố; diện tích trung bình mỗi vùng từ 15 đến 20ha, có vùng diện tích trên 50ha ở các huyện: Mê Minh, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm… Diện tích cây ăn quả giá trị kinh tế cao là 10.434ha tại 234 xã, phường của 20 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 52,5% điện tích sản xuất cây ăn quả của Thành phố; diện tích trung bình một vùng từ 10 đến 15ha, có vùng diện tích trên 50ha ở các huyện: Phúc Thọ, Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Thành Trì, Thường Tín… Ngoài ra, Hà Nội còn có vùng sản xuất chè tập trung với diện tích 968ha và bước đầu hình thành vùng trồng cây dược liệu, vùng nguyên liệu thức ăn phục vụ chăn nuôi trâu, bò chuyên canh.

 

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thời gian qua, sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất, người dân đã được tiếp cận với sản xuất quy mô lớn, cơ cấu giống chủ yếu là giống chất lượng cao. Trong quá trình canh tác, ở hầu hết các địa phương đã quan tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao; tạo điều kiện để phát triển các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Từ đó, định hướng người dân sản xuất theo hướng sản xuất chủ động và bền vững, phát huy thế mạnh của các vùng, miền, nâng cao chất lượng hàng hóa và hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc sản xuất truyền thống trước đây…

 

Tạo đà cho bứt phá mới

 

Việc định hình, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh đã giúp nền nông nghiệp Thủ đô có nhiều khởi sắc, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, đặc biệt là chính sách về đất đai để phát triển kinh tế hợp tác xã, trang trại, công nghệ cao, từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chuyên canh. Mặt khác, do đô thị hóa, công nghiệp hóa ở một số địa phương có tên trong danh mục vùng, khu sản xuất chuyên canh tập trung theo quy định của UBND Thành phố nhưng không đủ điều kiện để hình thành và phát triển vùng. Trong khi đó, nhiều diện tích, địa phương đã và đang hình thành, phát triển vùng, khu sản xuất chuyên canh tập trung nhưng chưa được định hướng theo quy định tại Quyết định số 3215/QĐ-UBND của UBND Thành phố…

 


Gia đình chị Hoàng Thị Sơn, Thôn An Sơn 1, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng trồng bưởi tôm vàng cho hiệu quả kinh tế cao

 

Để giải quyết những bất cập nêu trên, UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 4537/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, Thành phố đã hoạch định các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, gồm: Sản xuất lúa chất lượng cao chuyên canh tập trung (15 vùng) với diện tích quy hoạch là 53.360ha; sản xuất rau chuyên canh tập trung  (18 vùng) với diện tích quy hoạch là 7.291ha; sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao chuyên canh tập trung (19 vùng) với diện tích 13.417ha; sản xuất hoa - cây cảnh chuyên canh tập trung (17 vùng) với diện tích 3.074ha; sản xuất chè chất lượng cao chuyên canh tập trung (6 vùng) với diện tích 1.738ha; trồng cây dược liệu gồm (10 vùng) với diện tích 1.120ha...

 

Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, trên cơ sở quyết định của UBND Thành phố, các cơ quan, đơn vị sẽ sẽ căn cứ danh mục định hướng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung để hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND, ngày 04/7/2023, của HĐND Thành phố quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội và các cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Tại cơ sở, các quận, huyện, thị xã căn cứ quyết định của UBND Thành phố phê duyệt chi tiết các khu, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của địa phương; chủ động xây dựng kế hoạch và hoạt động khuyến khích phát triển các vùng, khu sản xuất tập trung chuyên canh đúng định hướng, hiệu quả.

 

Hy vọng, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ được thực hiện, Hà Nội sẽ có thêm nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao nữa.

 

Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1219
Tổng lượng truy cập: 25344896