Lo ngại tình trạng sâu bệnh hại
Trên cánh đồng xã Thạch Đà (huyện Mê Linh), lúa Xuân đang bước vào thời kỳ hồi xanh, đẻ nhánh. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà Phạm Thị Quân (thôn 1, xã Thạch Đà) tập trung bón phân đạm cho lúa mới cấy.
Vụ Xuân năm nay, gia đình bà Quân gieo trồng 6 sào lúa giống mới. Cùng với bón phân, bà Quân cũng cẩn thận kiểm tra, bổ sung nguồn nước dưỡng cho cây lúa bảo đảm mực nước từ 2 - 3cm theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông địa phương để lúa không bị bó rễ, sinh trưởng ổn định.
Bà con nông dân huyện Sóc Sơn tích cực lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2023. Ảnh: Trọng Tùng.
Đối với lúa đang hồi xanh, đẻ nhánh rộ, Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo bà con áp dụng đồng bộ các biện pháp giữ nước đều mặt ruộng, bón thúc tập trung khi lúa ra rễ trắng, đồng thời bón đủ NPK (Đạm, Lân, Kali) theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông...
Vừa nhanh tay nhặt cỏ trên đồng lúa non xanh, chị Đào Thị Hoà (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) vừa bảo: “Cũng may là trong đợt rét vừa qua, gia đình chưa bón phân đạm nên cây lúa không bị ảnh hưởng…”. Sở dĩ vậy, theo chị Hoà là bởi lúa mới cấy sau khi bón phân đạm sẽ bị lạnh rễ, gặp giá rét rất dễ chết.
Cũng theo chị Hoà, để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chị thực hiện bón thúc phân nén dúi sâu, dặm, tỉa lại những khoảng bị mất, đồng thời be bờ để ổn định mặt nước. Tuy nhiên, nhiều nông dân như chị Hoà, bà Quân bày tỏ lo ngại tình trạng sâu bệnh hại có thể phát sinh sớm, đặc biệt là chuột và ốc bươu vàng.
Cùng với nông dân hai huyện Mê Linh và Sóc Sơn, những ngày qua, bà con trên địa bàn các quận, huyện, thị xã khác của Hà Nội cũng tích cực xuống đồng để chăm sóc lúa Xuân. Đặc biệt là chủ động bố trí nguồn mạ để cấy dặm, cấy bù cho những diện tích lúa bị chết, không thể phục hồi do ảnh hưởng của thời tiết; những diện tích bị chết chòm, mất khoảng để bảo đảm mật độ lúa Xuân.
Linh hoạt chuyển đổi cây trồng
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, vụ Xuân 2023, toàn TP tổ chức gieo cấy hơn 81.000ha lúa. Đến nay, cơ bản các địa phương đã hoàn thành công tác gieo cấy; chỉ còn một số diện tích nhỏ ở nơi có chân ruộng cao, hoặc bà con duy trì tập quán canh tác lúa Xuân muộn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường khuyến cáo trong giai đoạn hiện nay, bà con nông dân cần duy trì mực nước từ 2 - 3cm trên mặt ruộng; thực hiện bón thúc kịp thời, khi nhiệt độ không khí trung bình cao hơn 15 độ C; tiến hành sục bùn để giúp lúa đẻ nhánh nhiều và tập trung…
Nông dân huyện Sóc Sơn tập trung chăm sóc lúa Xuân 2023.
“Để bảo đảm hiệu quả sản xuất lúa Xuân, Chi cục đang chỉ đạo trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật tại các quận, huyện, thị xã tăng cường hướng dẫn nông dân biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại; kịp thời ra thông báo hướng dẫn khi sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ, không để lây lan diện rộng…” - ông Lê Xuân Trường cho hay.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hiện nay tiến độ gieo cấy vụ Xuân 2023 của TP cơ bản đảm theo kế hoạch. Chất lượng lúa mới cấy khá đồng đều. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về năng suất, chất lượng vào cuối vụ, công tác chăm sóc cần được thực hiện thường xuyên, đúng cách.
Ông Nguyễn Mạnh Phương cũng khuyến cáo đối với các chân ruộng cao, khó khăn về nguồn nước tưới, chính quyền địa phương cần sớm rà soát, hướng dẫn bà con thực hiện chuyển đổi từ lúa sang canh tác rau, các loại cây màu như ngô, lạc, đậu đỗ… để tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi của TP phối hợp chặt chẽ với phòng kinh tế, hợp tác xã tại địa phương trong công tác quản lý, vận hành công trình điều tiết nguồn nước; tránh để cây trồng bị ngập úng, nhưng vẫn bảo đảm đủ nước phục vụ tưới dưỡng cho lúa Xuân.