Quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Hà Nội: Hướng đến nền nông nghiệp an toàn
Hạn chế và sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được xem là một trong những giải pháp quan trọng hướng đến nền canh tác nông nghiệp an toàn. Phóng viên Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương xung quanh câu chuyện này.

 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương

Nông dân Hà Nội sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật hơn các tỉnh

Ông có thể đánh giá tổng quan về hiện trạng sử dụng thuốc BVTV hiện nay tại Hà Nội?

- Là Thủ đô nhưng Hà Nội vẫn còn diện tích canh tác nông nghiệp rất lớn với khoảng 150.000ha. Số liệu thống kê gần nhất cho thấy, lượng hóa chất BVTV mà nông dân Hà Nội sử dụng vào khoảng 1,5kg/ha/năm.

Trong khi con số này của cả nước lên tới gần 10kg/ha/năm. Tại một số huyện trên địa bàn TP, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV thậm chí còn thấp hơn nhiều, đơn cử như: Phú Xuyên 0,25kg/ha/năm, Chương Mỹ 0,3kg/ha/năm… Có thể thấy, so với phần lớn các tỉnh, TP trên cả nước, nông dân Hà Nội đang sử dụng thuốc BVTV ít hơn nhiều.

Nhờ đâu mà tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV của Hà Nội liên tục giảm qua những năm gần đây, thưa ông?

- Nguyên nhân quan trọng nhất là nhận thức của người nông dân đã có sự thay đổi tích cực thông qua việc được trang bị những kiến thức về sản xuất an toàn, thay vì làm nông theo kiểu cha truyền con nối.

Hàng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội đều duy trì các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp cho bà con. Đặc biệt, từ năm 1992, Hà Nội duy trì liên tục các lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), giúp kiểm soát tốt sâu bệnh hại, từ đó hạn chế việc phải sử dụng thuốc BVTV.

3 đúng và chuẩn ngưỡng

Giống như nhiều địa phương khác, Hà Nội chưa thể loại bỏ hoàn toàn thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Ông có khuyến cáo gì đối với bà con nông dân?

- Thực tế hiện nay ngay cả ở các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, khi sâu bệnh gây hại đến ngưỡng phòng trừ thì vẫn phải sử dụng thuốc BVTV. Có điều là dùng ở mức độ nào, liều lượng ra sao mới là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Ngành nông nghiệp Hà Nội thường xuyên khuyến cáo bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV bảo đảm 3 đúng, gồm: Đúng loại thuốc, đúng loại cây trồng và đúng loại sâu bệnh. Nhưng quan trọng nhất theo tôi là chỉ nên sử dụng khi đến ngưỡng phòng trừ.

 

Chăm sóc rau an toàn tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn

Hiện nay, việc sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc đang ngày một phổ biến tại nhiều địa phương, còn tại Hà Nội thì sao, thưa ông?

- Trong khoảng 10 năm trở lại đây, bà con nông dân đã quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc trong canh tác nông nghiệp. Theo đánh giá, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc tại Hà Nội hiện nay chiếm khoảng 50% tổng lượng. Dù vậy, để có thể khuyến khích bà con chuyển đổi hoàn toàn sang dùng các sản phẩm thuốc BVTV thân thiện môi trường, vẫn cần thêm thời gian và nỗ lực của các cấp, ban, ngành.

Về phía Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện chúng tôi đang chỉ đạo Trạm Trồng trọt và BVTV các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, chú trọng nội dung về đặc tính và những lợi ích của thuốc BVTV sinh học, thảo mộc để bà con nông dân hiểu, ủng hộ và tích cực sử dụng các chủng loại thuốc BVTV theo hướng an toàn.

Theo ông, về lâu dài, việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển nông nghiệp bền vững?

- Hiện nay, trung bình mỗi tháng, ngành nông nghiệp sản xuất ra hàng chục tấn rau củ quả các loại. Việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đến an toàn sức khỏe của người dân.

Chính vì vậy, khuyến khích áp dụng 3 đúng trong canh tác nông nghiệp kết hợp với đẩy mạnh sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc là hết sức quan trọng. Đây là điều kiện tiên quyết để hướng đến phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, bền vững cho Hà Nội.
Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc tại Hà Nội còn rất ít. Chi phí sản xuất cao nhưng đầu ra còn khó khăn là nguyên nhân chính của hạn chế này. Do đó, Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan cần sớm nghiên cứu, có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ trực tiếp để thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất tự nhiên và an toàn hơn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 6662
Tổng lượng truy cập: 22076432