Truy xuất nguồn gốc thúc đẩy tiêu thụ rau an toàn chuyên nghiệp, bền vững
Việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với rau an toàn (RAT) trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nỗ lực của các DN, hợp tác xã cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các sở, ngành, địa phương của TP.

Việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với rau an toàn (RAT) trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi nỗ lực của các DN, hợp tác xã cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các sở, ngành, địa phương của TP.

Vườn rau sạch được truy xuất nguồn gốc

 

Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm). Ảnh: Ánh Ngọc

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Chử Tâm (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) Trần Văn Tuấn cho biết, tháng 6/2020, ông cùng 6 hộ dân liên kết thuê đất, góp đất, góp vốn để trồng rau sạch. Hiện, HTX có 3 trại trồng các loại rau ăn lá (rau cải các loại, rau muống, rau dền, rau đay, rau mồng tơi) với diện tích 1,2ha.

Trung bình mỗi ngày, HTX xuất bán trung bình từ 2 – 3 tạ rau, doanh thu đạt 50 - 70 triệu đồng/tháng. Sản lượng rau chủ yếu được tiêu thụ qua cửa hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm của HTX và đưa vào một số bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Mặc dù, mới hoạt động chưa đầy 2 năm song HTX Rau sạch Chử Tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng bởi sự chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất, sơ chế rau. Trong đó phải kể đến việc ứng dụng công nghệ cao toàn bộ diện tích sản xuất của HTX.

Cả 3 trại trồng rau đều được canh tác trong nhà kính, nhà lưới và được áp dụng cơ giới hóa từ các khâu làm đất, xuống giống đến thu hoạch, sơ chế đóng gói nông sản. Bên cạnh đó, HTX còn ứng dụng công nghệ màng phủ nông nghiệp, phương pháp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), đặc biệt là tưới bằng các hệ thống hiện đại như tưới phun, nhỏ giọt.

 

Khu nhà lưới sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm

được lắp đặt camera giám sát quy trình sản xuất. Ảnh: Ánh Ngọc

“Để có những sản phẩm đạt chất lượng cao, sạch, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao với tổng chi phí lên hơn 1 tỷ đồng. Cùng với đó, HTX thống nhất phân công nhiệm vụ mỗi thành viên quản lý chuyên biệt từng mảng như sản xuất, nghiên cứu giống và vật tư, marketing thị trường; đồng thời, kết hợp lên kế hoạch sản xuất, ghi chép nhật ký cho từng giai đoạn cây trồng” – ông Tuấn chia sẻ.

Niềm vui lớn đến HTX Rau sạch Chử Tâm khi mới đây Hội Nữ trí thức Hà Nội đã kết nối, hỗ trợ HTX thực hiện truy xuất nguồn gốc các loại RAT với Công ty CP Công nghệ SmartGap. Đây là một trong những phần việc quan trọng thuộc Đề tài “Nghiên cứu thực trạng hoạt động và đề xuất một số mô hình liên kết khả thi trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội” mà Hội Nữ trí thức Hà Nội đang triển khai.

“Bắt tay” đưa rau an toàn lên sàn thương mại điện tử

Theo TS Phạm Thị Liên - Hội Nữ trí thức Hà Nội, trong quá trình triển khai Đề tài “Nghiên cứu thực trạng hoạt động và đề xuất một số mô hình liên kết khả thi trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn Hà Nội”, nhóm tác giả nhận thấy nhiều vấn đề đặt ra từ thực trạng hiện trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn TP hiện nay. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.

 

Nhóm tác giả Hội Nữ trí thức Hà Nội và doanh nghiệp khảo sát thực tế sản xuất

của Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm. Ảnh: Ánh Ngọc

“Do chưa được quan tâm đúng mức về trang bị hệ thống truy xuất nguồn gốc nên không ít sản phẩm rau dù đạt tiêu chuẩn an toàn hay VietGAP vẫn không thể vào được các kênh tiêu thụ hiện đại đòi hỏi tiêu chuẩn cao như hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch…” – TS Phạm Thị Liên đánh giá.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc RAT, Hội Nữ trí thức Hà Nội đã quyết định hỗ trợ HTX Rau sạch Chử Tâm 60 triệu đồng để trang bị hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thí điểm trên 2 loại rau (rau dền, rau cải ngọt).

Qua buổi khảo sát thực tế, HTX Rau sạch Chử Tâm đã được đơn vị tư vấn, lắp đặt là Công ty CP Công nghệ SmartGap hướng dẫn và kết nối hệ thống dữ liệu từ hình ảnh của các camera lắp đặt trong trại sản xuất tích hợp với phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, các sản phẩm rau của HTX được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chi tiết qua mã QR. Việc này giúp HTX minh bạch thông tin tới người tiêu dùng về quy trình sản xuất, ngày thu hoạch và hạn sử dụng. Từ đó, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng và sản phẩm rau sạch Chử Tâm ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho hay, một điều đáng mừng nữa là sau khi hoàn thiện những bước truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm rau, HTX Rau sạch Chử Tâm sẽ ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty CP Công nghệ SmartGap bằng việc đưa rau sạch lên sàn giao dịch nông sản SmartGap Việt Nam. Liên kết này hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển bền vững, lâu dài của HTX, giúp các thành viên trong HTX yên tâm đầu tư sản xuất cũng như tăng lợi nhuận.

Theo báo cáo khảo sát của Hội Nữ trí thức Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có tới 53% mô hình chưa có khu chế biến sản phẩm RAT riêng; 60% mô hình không có hệ thống truy xuất nguồn gốc để phục vụ sản xuất, kinh doanh; 65% mô hình không giao dịch điện tử, 75% mô hình không có trang giao dịch thương mại điện tử riêng; 79% mô hình không sử dụng hệ thống giám sát sản xuất; 66% số hóa đơn mua vật tư nông nghiệp đầu vào không được số hóa trong quản lý; 71% sản phẩm RAT của các mô hình không sử dụng tem truy xuất nguồn gốc.

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9411
Tổng lượng truy cập: 22002747