Do đó, việc áp dụng toàn phần phương pháp SRI vào canh tác lúa cần tiếp tục được quan tâm nhân rộng bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nông dân và DN. Đó là chia sẻ của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương với Kinh tế & Đô thị.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI. Ông có thể nói rõ hơn về những kết quả mà Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua?
- Được sự giúp đỡ của Bộ NN&PTNT, chương trình thâm canh lúa cải tiến theo phương thức SRI của Hà Nội đã thực hiện từ rất sớm (cách đây 20 năm). Chương trình được bắt đầu từ tổ chức mô hình điểm cùng với mở lớp tuyên truyền, tập huấn cho các nhóm nông dân thực hiện.
Đoàn cán bộ Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá hiệu quả mô hình canh tác lúa
Trong quá trình bắt tay vào làm thực tế, chính người dân nhận thấy những hiệu quả rõ rệt mà mô hình mang lại, đó là: giảm chi phí đầu vào (giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới) trong khi đó năng suất lại tăng từ đó tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, khó khăn nhất phải kể đến việc thay đổi tập quán canh tác của bà con từ cấy 3 – 4 rảnh/khóm, 40 – 50 khóm/m2 sang cấy 1 rảnh/khóm, 25 – 30 khóm/m2.
Đáng mừng là nhờ được sự hỗ trợ lớn từ TP và chính những lợi ích mà phương pháp SRI mang lại đã dần thay đổi được tập quán canh tác lúa theo hướng tích cực.
Vụ Xuân 2022, Hà Nội gieo cấy 83.606ha, trong đó có hơn 70% diện tích áp dụng phương pháp SRI từng phần và hơn 6% diện tích áp dụng phương pháp SRI toàn phần.
Một số địa phương trên địa bàn TP áp dụng phương thức SRI toàn phần với diện tích lớn và rất hiệu quả từ nhiều năm nay. Điển hình như tại xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) với hơn 500ha (100% diện tích) lúa áp dụng phương pháp SRI đã giảm 50 - 70% giống, giảm lượng phân bón, giảm một số sâu bệnh hại (sâu cuốn lá, đạo ôn, khô vằn), năng suất tăng từ 10 - 12% so với cấy lúa thường, lợi nhuận trung bình tăng 5 triệu đồng/ha.
Đáng chú ý, áp dụng phương pháp SRI, nông dân gần như không sử dụng tới thuốc bảo vệ thực vật bởi cấy thưa, ruộng thoáng, ít sâu bệnh. Đây là lợi ích lớn nhất mà phương pháp SRI mang lại khi giúp bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân.
Vậy ngành nông nghiệp Hà Nội có chia sẻ kinh nghiệm gì đối với các địa phương khác trong việc nhân rộng diện tích thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI?
- Như tôi đã trao đổi, khó khăn nhất của áp dụng phương pháp SRI vào canh tác lúa ban đầu là thay đổi tập quán của người nông dân bởi đây là phương thức mới người nông dân chưa làm bao giờ nên sẽ không tránh khỏi sự băn khoăn, nghi ngại về hiệu quả của mô hình áp dụng. Cũng cần phải nói thêm, mặc dù hiệu quả mô hình đã rõ nhưng để áp dụng ra diện rộng không phải là điều đơn giản.
Do đó, người nông dân phải được tập huấn khoa học kỹ thuật, được nhà khoa học hướng dẫn tại đồng thì sẽ nắm bắt nhanh hơn, hiệu quả hơn là hô hào chung chung.
Mặt khác, việc áp dụng phương pháp SRI đòi hỏi điều tiết nước hợp lý, chân ruộng không được quá trũng và việc áp dụng phải linh hoạt, tùy điều kiện mỗi địa phương. Nếu như chân ruộng quá trũng mà áp dụng phương pháp SRI thì khó có thể cho hiệu quả như mong muốn
. Kết quả thực tiễn cho thấy, ở đâu nông dân được đào tạo thì ở đó việc ứng dụng khoa học kỹ thuật dễ dàng và cho hiệu quả cao. Vì vậy, theo tôi, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tổ chức các lớp tập huấn một cách bài bản, nghiêm túc về thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI để người dân hiểu, nắm được kỹ thuật, từ đó áp dụng vào thực tế đồng ruộng hiệu quả.
Tôi xin nhấn mạnh là ngành nông nghiệp Hà Nội luôn khuyến cáo nông dân và các địa phương nên canh tác lúa áp dụng phương pháp SRI, bởi phương pháp canh tác này rất phù hợp trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay.
Áp dụng thâm canh lúa theo phương thức SRI thực sự mang lại nhiều lợi ích khi giúp nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong thời gian tới, để nâng tỷ lệ diện tích lúa áp dụng phương pháp SRI, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ thực hiện giải pháp nào, thưa ông?
- Chương trình thâm canh lúa cải tiến theo phương thức SRI bao gồm nhiều công đoạn, trong đó có định kỳ rút nước 2 - 3 lần/vụ, do vậy tưới – tiêu nước là khâu khó nhất trong quá trình thực hiện.
Thực tế việc tưới – tiêu nước để đáp ứng yêu cầu áp dụng phương pháp SRI toàn phần tại một số huyện trên địa bàn TP cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Vì vậy, để nâng tỷ lệ diện tích lúa áp dụng phương pháp SRI toàn phần, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tham mưu với UBND TP có chính sách hỗ trợ cho người dân, DN về triển khai nhân rộng chương trình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI, trong đó có nội dung hỗ trợ đầu tư hệ thống thủy lợi.
Để chương trình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI đi vào cuộc sống thiết thực, hiệu quả hơn nữa, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ DN và người dân. Bởi khi có cơ chế, chính sách rồi, dựa trên căn cứ cơ sở đó mới xây dựng được định mức, kinh tế kỹ thuật hỗ trợ cụ thể.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
"Mở rộng diện tích thâm canh lúa cải tiến theo phương thức SRI là thực hiện nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, của Chính phủ về mục tiêu giảm phát thải nhà kính. Bởi, việc rút cạn nước theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa (giảm giữ nước trên đồng ruộng) sẽ hạn chế đáng kể lượng khí metan thải vào không khí, gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây là việc làm đóng vai trò quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 nông nghiệp phát triển xanh, sạch, chất lượng và bền vững." - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương