Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sức ở thôn Hạ (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức), vụ xuân 2022, gia đình gieo trồng 11 sào lúa, đúng thời điểm cần bón thúc cho cây lúa phát triển, giá phân bón tăng cao, phân đạm, ka li lên tới gần 20.000 đồng/kg, đây là giá kỷ lục mà ông từng mua. Việc chuẩn bị phân bón hữu cơ thay thế bị động dẫn đến cây trồng phát triển không như ý.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Thượng Quất (xã Hợp Tiến) thừa nhận, do giá phân bón tăng cao, gia đình cũng cắt giảm tối đa các loại phân bón vô cơ giai đoạn đầu dẫn tới năng suất lúa vụ xuân 2022 giảm tới 7% so với cùng kỳ.
Theo TS Bùi Huy Hiền, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để sử dụng hiệu quả, cần bảo đảm nguyên tắc "5 đúng và 1 cân đối”: "5 đúng" là đúng loại đất, đúng cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách; "1 cân đối" ở đây là khi bảo đảm được "5 đúng" nói trên. Nguyên nhân là do có nhiều loại đất, cây trồng và nhu cầu, khả năng hấp thụ khác nhau. Nếu muốn sản xuất được nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn, chúng ta phải xây dựng được những vùng sản xuất đủ lớn, cần đánh giá được chỉ tiêu của từng khâu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Còn PGS.TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, khẳng định: “Phân bón hữu cơ không thể thay thế hoàn toàn cho phân hóa học”. Việc bón phân hữu cơ vừa giúp tăng hiệu quả của việc sử dụng phân hóa học, vừa có thể cắt giảm từ 20-30% lượng phân hóa học, nhưng sử dụng phân hữu cơ để thay thế hoàn toàn phân hóa học là điều không thể.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phân tích: Để phân bón phát huy hiệu quả trên cây trồng cần cân đối giữa hữu cơ và vô cơ, bởi ưu thế của hai loại phân bón rất khác biệt. Việc cực đoan hóa sử dụng một trong hai loại đều không mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế và môi trường. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ dinh dưỡng 30% từ nguồn phân hữu cơ và 70% từ nguồn phân vô cơ là tối ưu cho phần lớn cây trồng, bảo đảm tăng năng suất, chất lượng, góp phần ổn định độ phì nhiêu của đất. Do vậy, cung ứng phân hữu cơ chất lượng tốt cũng như phân vô cơ thế hệ mới với hiệu quả sử dụng cao là rất cần thiết.
Trong bối cảnh giá phân bón tiếp tục tăng cao, ngành Nông nghiệp Hà Nội khuyến cáo, người dân không cắt bỏ hoàn toàn loại này hay để thay thế toàn bộ phân bón vô cơ sang hữu cơ mà quan trọng nhất là cách sử dụng tiết kiệm và hợp lý nâng cao hiệu quả sản xuất.
Gợi ý thêm về khâu tổ chức sản xuất hiệu quả trong tình hình phân bón tăng cao, bà Đỗ Kim Chung, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho hay: Sản xuất an toàn, hiệu quả đang là định hướng lớn mà ngành Nông nghiệp hướng tới. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể của vụ sản xuất vừa qua, việc cân nhắc sử dụng phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ như thế nào, để vừa phù hợp định hướng phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp, vừa bảo đảm tốt nhất năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, đạt lợi ích kinh tế cao nhất, đang là vấn đề còn phải bàn.
Để việc giảm phân bón vô cơ không ảnh hưởng tới năng suất lúa, nông dân cần lưu ý: Trước khi bón phân, chỉ nên để nước trong ruộng từ 3-5cm. Khi bón lót xong, cần bừa lại 1 lần trước khi gieo cấy để vùi phân vào đất, hạn chế mất đạm tự do. Các lần bón thúc lúa đẻ, bón nuôi đòng nên thực hiện vào lúc thời tiết khô ráo và bón vào chiều tối là tốt nhất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sẽ nhanh chóng tổ chức hội thảo đánh giá việc sử dụng phân bón trên cây lúa. “Rõ ràng trong trồng cây ăn quả, việc sử dụng phân bón hữu cơ rất tuyệt vời nhưng chưa hẳn trồng lúa sử dụng hữu cơ đã là tối ưu", ông Cường nhấn mạnh.