Thúc đẩy sinh trưởng cho cây trồng
Vụ Xuân 2022, gia đình bà Đào Thị Hòa (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) gieo cấy 4 sào lúa. Diện tích lúa đến nay được gần 3 tuần. Dù thời tiết giá rét những ngày qua nhưng bà Hòa vẫn thường xuyên ra thăm đồng, điều chỉnh mực nước từ 2 - 3cm trên mặt ruộng, không để ruộng khô cạn.
Bảo đảm điều kiện nguồn nước để lúa Xuân sinh trưởng, phát triển thuận lợi
Để hạn chế ảnh hưởng của giá rét đến diện tích lúa mới cấy, bà con nông dân huyện Sóc Sơn nói riêng, các địa phương trên địa bàn Hà Nội nói chung cũng tập trung bón thúc, cào cỏ, sục bùn… để giúp lúa đẻ nhánh nhiều, tập trung; đồng thời diệt trừ cỏ dại và giải phóng khí độc trong đất, giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
“Đối với diện tích lúa gieo bằng mạ, Chi cục khuyến cáo bà con không gieo cấy, bón phân đạm vào những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C. Cùng với đó, chủ động chuẩn bị nguồn mạ để bổ sung cấy dặm cho những diện tích gieo sạ khi thời tiết ấm áp hơn…”.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường.
Là địa phương có diện tích gieo sạ khá lớn, những ngày qua, bà con nông dân huyện Phúc Thọ cũng rốt ráo thực hiện các biện pháp chống rét cho cây lúa. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa. Những ngày trời rét, bà con không tổ chức bón phân đạm cho cây…” - ông Vương Văn Đắc, một nông dân ở xã Tam Hiệp cho biết.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường, vụ Xuân 2022, toàn TP gieo cấy gần 81.500ha lúa và khoảng 14.000ha rau màu. Hiện, đơn vị đang tiếp tục đôn đốc các địa phương gieo trồng cây vụ Xuân, phấn đấu hoàn thành trước ngày 1/3/2022, nhất là tại những nơi có tập quán gieo cấy muộn như: Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm… Đồng thời, thực hiện giám sát đồng ruộng, chủ động các biện pháp chống rét cho cây trồng.
Nhiều biện pháp chống rét cho vật nuôi
Từ mấy ngày trước, khi nghe thông tin về đợt rét đậm, rét hại, gia đình chị Trần Thị Thục (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) đã chủ động che chắn chuồng trại chăn nuôi bò thịt bằng phông bạt. Gia đình chị cũng tích trữ một khối lượng thức ăn tinh và cỏ khô để bổ sung năng lượng, chống rét cho đàn bò.
Nông dân huyện Ba Vì bổ sung thức ăn giúp đàn bò có thêm năng lượng để chống chọi với thời tiết rét đậm, rét hại.
Không chỉ hộ nông dân, các chủ trang trại cũng rất cẩn trọng trong việc chống rét cho vật nuôi. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết, mặc dù chuồng trại đã được xây dựng khép kín, chắn gió tương đối tốt, tuy nhiên vào những ngày nhiệt độ giảm sâu, cơ sở vẫn phải vận hành hệ thống đèn chiếu sáng 24/24 giờ kết hợp đốt củi trong thùng phuy để giữ ấm chuồng trại, bảo vệ sức khỏe đàn lợn hàng ngàn con.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trải qua nhiều đợt rét đậm, rét hại, nhìn chung bà con đã có những kinh nghiệm thiết thực và thường chủ động phòng, chống mỗi khi nhiệt độ giảm sâu. Một số biện pháp phổ biến được nông dân áp dụng là không chăn thả vật nuôi ngoài trời khi thời tiết giá rét; đặc biệt là bổ sung thức ăn tinh (bột ngô, cám, sắn…), vitamin và khoáng chất.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, cơ quan chức năng các địa phương không nên chủ quan với rét đậm, rét hại. Theo đó, cần thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở hộ chăn nuôi, chủ trang trại thực hiện các biện pháp chống rét để bảo vệ đàn vật nuôi.
Để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại từ giá rét cho đàn vật nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động gia cố chuồng trại; giữ nền chuồng luôn khô ráo và cho vật nuôi uống đủ nước (có thể pha thêm muối). Cùng với đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe đàn vật nuôi để kịp thời báo cho cán bộ thú y cơ sở biết, có biện pháp xử lý, hướng dẫn điều trị nhằm giảm thiểu thiệt hại.