Hà Nội: Nông dân hối hả xuống đồng sản xuất vụ Xuân
Sau những ngày vui Tết Nhâm Dần 2022, bà con nông dân các địa phương trên địa bàn Hà Nội lại tất bật xuống đồng lấy nước, đổ ải, gieo cấy vụ Xuân. Ai nấy kỳ vọng vào một vụ mùa thắng lợi.

Nhiều địa phương đã lấy đủ nước

Giống như Tết Nguyên đán mọi năm, chị Lê Thanh Thuý - công nhân trạm bơm Ấp Bắc (thuộc Xí nghiệp cung cấp nước thô và tư vấn xây dựng – Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội) cùng các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ ứng trực xuyên suốt thời gian nghỉ lễ.

 

Vận hành trạm bơm dã chiến Ấp Bắc (huyện Đông Anh) lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Chị Thuý và 38 cán bộ, công nhân tại trạm bơm duy trì việc vận hành 25 tổ máy dã chiến, với nhiệm vụ cung cấp nguồn nước sản xuất vụ Xuân 2022 cho hơn 5.000ha canh tác vụ Xuân 2022 thuộc 3 huyện: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; trong đó có hơn 4.300ha thuộc huyện Đông Anh.

“Việc vận hành trạm bơm Ấp Bắc nhiều năm qua rất khó khăn do phụ thuộc lớn vào diễn biến nguồn nước sông Hồng. Chính vì vậy, công tác ứng trực vận hành hệ thống dã chiến được đơn vị quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân; bảo đảm lấy đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân…” – Giám đốc Xí nghiệp cung cấp nước thô và tư vấn xây dựng Nguyễn Mạnh Nhất cho biết.

Không chỉ tại trạm bơm Ấp Bắc, hàng trăm cán bộ, công nhân thuộc 4 doanh nghiệp thuỷ lợi của Hà Nội cũng tổ chức ứng trực 24/24 giờ, vận hành hàng chục trạm bơm xuyên suốt dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua; tập trung lấy nước cho sản xuất vụ Xuân 2022. Đến nay, tổng diện tích ruộng đồng có nước trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 85% kế hoạch.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hà Nội Đào Quang Khải, dòng chảy trong những đợt xả nước từ các hồ chứa thuỷ điện nhìn chung được duy trì ở mức tương đối tốt. Các công trình thuỷ lợi đã được sửa chữa, nâng cấp hạ thấp cao trình lấy nước, các trạm dã chiến đủ điều kiện vận hành. Nhờ đó, tiến độ lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022 của Hà Nội vẫn bảo đảm theo kế hoạch.

“Hiện nay, nhiều huyện đã cơ bản lấy đủ nước phục vụ sản xuất vụ Xuân 2022 như: Phú Xuyên, Đan Phượng, Chương Mỹ, Thanh Oai. Tuy nhiên tại một số địa phương, tỷ lệ lấy nước còn thấp, điển hình như: Sóc Sơn, Phúc Thọ, Gia Lâm, Hoài Đức… Do đó đề nghị các doanh nghiệp thuỷ lợi tiếp tục vận hành tối đa hệ thống công trình để hoàn thành lấy nước theo kế hoạch…” – ông Đào Quang Khải thông tin thêm.

Khẩn trương gieo cấy lúa Xuân

Sau khi có nước, bà con nông dân các địa phương của Hà Nội đã tích cực xuống đồng làm đất, đổ ải, gieo mạ và cấy lúa Xuân. Ghi nhận tại xứ đồng thuộc xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) những ngày sau Tết Nguyên đán, không khí lao động hết sức tấp nập, khẩn trương.

 

Làm đất, đổ ải, gieo cấy vụ Xuân 2022 tại xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Tùng Nguyễn.

Cẩn thận vén tấm nilon trên luống mạ xanh non, bà Nguyễn Thị Huyền ở thôn Hà Xá (xã Đại Hưng) chia sẻ: “Từ ngày mồng 4 Tết, chúng tôi đã ra đồng lấy nước, chăm mạ. Mặc dù mưa rét nhưng do che phủ nilon và chăm sóc đúng kỹ thuật nên mạ sinh trưởng, phát triển tốt. Lịch xuống đồng là ngày 10/2 nên vài ngày tới, chúng tôi mới gỡ bỏ hẳn nilon để đảm bảo mạ cứng cây, đanh rảnh, sạch sâu bệnh và đủ điều kiện trước gieo cấy”.

“Để cung cấp đủ nước cho đổ ải và tưới dưỡng lúa Xuân, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có phương án xả nước các hồ chứa thuỷ điện nhằm duy trì mực nước tại trạm thuỷ văn Sơn Tây (TP Hà Nội) ở mức +1,8m trở lên, bảo đảm hiệu suất vận hành lấy nước cho các công trình thuỷ lợi. Các địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ chủ động kế hoạch lấy nước, bổ sung nguồn cấp đối với những diện tích thường xuyên gặp khó về nguồn nước…”. Ông Lương Văn Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT).

Cách đó không xa, gia đình anh Vũ Văn Việt ở thôn Trinh Tiết (xã Đại Hưng) cũng huy động 3 nhân lực tất bật cào ruộng, đắp bờ giữ nước. Anh Việt cho hay, dù âm hưởng của những ngày Tết chưa dứt nhưng từ ngày mùng 4 Tết, cánh đồng này đã nhộn nhịp. Đây đã là nếp sản xuất trong hàng thế kỷ nên không ai bảo ai, nhà nào có ruộng đều rục rịch kéo ra đồng bắt tay vào sản xuất vụ Xuân.

“Vụ này gia đình tôi gieo cấy 1,5 mẫu ruộng với giống lúa Nhật Bản J02. Để bảo đảm trong khung thời vụ tốt nhất, chúng tôi dự kiến thuê thêm 5 nhân công để hoàn thành gieo cấy trong 2 ngày tới...” – anh Việt chia sẻ thêm.

Trong khi đó tại huyện Sóc Sơn, bà con nông dân cũng đang tích cực bắt tay vào sản xuất vụ Xuân 2022. Vừa cuốc đất be bờ để lấy nước đổ ải, chị Đào Thị Hoà ở thôn Thế Trạch (xã Mai Đình) vừa cho biết, gia đình dự kiến canh tác 4 sào lúa. “Từ ngày có máy cày bừa, bà con làm nông cũng đỡ vất vả. Đổ ải xong, gia đình sẽ huy động mấy anh chị em họ hàng phụ cấy luôn. Diện tích ít nên dự kiến sẽ xong sớm...” – chị Hoà cho hay.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để hỗ trợ sản xuất cho nông dân, Sở đã chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến nông các địa phương hướng dẫn bà con thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc mạ như: Che phủ nilon đúng kỹ thuật; điều tiết nước, bón phân, mật độ gieo… Cùng với đó, chủ động các phương án đối phó với thời tiết bất thuận có thể xảy ra như rét đậm, rét hại kéo dài.

Nhằm hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh hại đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện gieo cấy các giống lúa theo đúng cơ cấu giống của TP. Bên cạnh đó, thực hiện gieo cấy lúa cùng trà trên cùng một xứ đồng để đạt năng suất, chất lượng cao.

Bảo đảm khung thời vụ và nguồn nước tưới dưỡng

Thực tế khung thời vụ chính gieo cấy của Hà Nội bắt đầu từ ngày 10/2, tuy nhiên bà con nông dân nhiều địa phương đã tiến hành gieo cấy sớm từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy toàn TP đã gieo cấy được hơn 13.000ha lúa Xuân, đạt khoảng 17% kế hoạch.

Một số huyện, thị xã có diện tích cấy lúa Xuân đạt cao là: Phúc Thọ, Ba Vì, Phú Xuyên… Đối với những địa phương có diện tích lúa gieo cấy trước Tết Nguyên đán, Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng ruộng, theo dõi, chăm sóc lúa Xuân để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.

 

Bà con nông dân xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) chăm sóc mạ Xuân. Ảnh: Ánh Ngọc.

Để hoàn thành kế hoạch gieo cấy vụ Xuân 2022 theo đúng khung thời vụ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) Lương Văn Anh đề nghị Hà Nội cần sớm hoàn thành công tác lấy nước, đổ ải. Thực tế đến nay, hầu hết các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã cơ bản lấy đủ nước sản xuất vụ Xuân. Đợt lấy nước thứ ba dự kiến bắt đầu từ 0 giờ ngày 13/2/2022 tới đây sẽ chủ yếu phục vụ cho những diện tích canh tác của Hà Nội chưa lấy đủ nước.

Đại diện Tổng cục Thuỷ lợi cũng đề nghị Hà Nội và các địa phương bên cạnh tập trung lấy đủ nước cho gieo cấy, cần tranh thủ nguồn nước trong đợt xả thứ 3 (dự kiến kéo dài 5 ngày). Mục tiêu rất quan trọng là lấy đủ nước phục vụ nhu cầu tưới dưỡng cho lúa Xuân.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của TP và Sở N&PTNT Hà Nội, địa phương đang tập trung vận động bà con nông dân khẩn trương thu hoạch cây vụ Đông canh tác trên đất lúa. Tuyên truyền người dân tận dụng tối đa nguồn nước; thực hiện đưa nước đến đâu, làm đất gieo cấy đến đó; tuyệt đối không để thất thoát, lãng phí nguồn nước gieo cấy vụ Xuân.

Cùng với huyện Sóc Sơn, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng đang tích cực vận động nông dân hoàn thành gieo cấy vụ Xuân trong tháng 2/2022. Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn bà con thực hiện tốt các biện pháp kĩ thuật trong chăm sóc lúa để đảm bảo cho cây trồng bén dễ nhanh, sinh trưởng và phát triển tốt, giúp mang lại một vụ mùa bội thu.

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1624
Tổng lượng truy cập: 25357476