Nông dân thấp thỏm vì giá cả xuống thấp
Khoảng nửa tháng nay, khắp các tuyến phố, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội bày bán la liệt các loại cam, bưởi như cam Vinh, cam ngọt, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đào đường, bưởi Diễn… Giá bán các loại cam chỉ dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/kg; giá bưởi dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/quả. Theo các tiểu thương, mức giá này giảm 20 – 30% so với đầu vụ năm trước. Nguyên nhân một phần vì năm nay sản lượng lớn và một phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mức tiêu thụ chậm.
Trong khi đó, tại Hà Nội, hơn 13.000ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là bưởi (sản lượng hơn 100.000 tấn) đang bước vào vụ thua hoạch. Trước việc áp lực lớn từ nguồn cung trái cây ở các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Hưng Yên… cũng đang vào vụ thu hoạch rộ, đồng thời dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khiến nông dân không khỏi lo lắng. Bởi có tới 70% sản lượng hoa quả người dân phải tự tìm đầu ra.
Chương Mỹ là một trong những vựa trồng bưởi lớn nhất ở Hà Nội với 500ha. Hiện nay một số diện tích bưởi Diễn sớm (bưởi diễn cao thành) đã cho thu hoạch, nhưng theo phản ánh của người dân, giá bưởi giảm và việc tiêu thụ cũng khá chậm.
Vườn bưởi của gia đình Nguyễn Văn Du ở thị trấn Kim Bài, Thanh Oai |
Hộ ông Nguyễn Đức Thọ ở thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ đang canh tác 500 gốc bưởi Diễn, năm nay dự kiến thu 4 vạn quả. Ông Thọ cho biết, vườn bưởi của gia đình ông khoảng nửa tháng nữa được thu và phải thu hoạch xong trước tháng 10 để chuẩn bị tỉa cây vào vụ mới. Tuy nhiên, cùng thời điểm những năm trước, các thương lái đã vào đặt hàng nhưng năm nay chưa thấy bóng dáng thương lái nào. Với tình hình thị trường bán chậm như năm nay, gia đình ông đã chuẩn bị hơn 1.000 thùng xốp bảo quản bưởi trong kho để bán dần. Tuy nhiên ông Thọ mong muốn bán được hết bưởi lúc tươi, vì sẽ được giá hơn.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Du ở thị trấn Kim Bài, Thanh Oai đang canh tác 100 gốc bưởi Diễn, dự kiến thu hơn 20.000 quả cũng lo lắng hàng không bán được. Ông Du cho biết, vụ bưởi năm trước cũng rơi vào đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát nên giá bưởi giảm xuống chỉ còn 5.000 – 8.000 đồng/quả, thậm chí hàng không bán được. Theo dự đoán của ông Du, với tình hình dịch còn diễn biến thất thường như hiện nay thì kịch bản bưởi giá rẻ sẽ lặp lại với người nông dân. “Việc tiêu thụ do thương lái thu mua là chủ yếu, nhưng hiện nay lại vắng bóng thương lái, khiến thị trường bưởi Diễn năm nay mang một màu sắc ảm đạm, người nông dân đã khó khăn lại càng thêm khó” – ông Du chia sẻ.
Đẩy mạnh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử
Để không lặp lại kịch bản như vụ bưởi năm 2020, ngay lúc này các sở ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn Hà Nội cần rà soát, đánh giá sản lượng để tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hoa quả cho người dân.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, từ nay tới Tết Nguyên đán, Hà Nội có khoảng 200.000 tấn hoa quả cần tiêu thụ, trong đó có 70% không sản xuất theo chuỗi liên kết. Bên cạnh một số vùng cây ăn quả được hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng các mô hình quản lý chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu… thì vẫn có nhiều vùng cây ăn quả chưa được hoặc chưa đủ điều kiện; nhiều địa phương có quy mô còn manh mún, phân tán nên việc đầu tư, bao quản chất lượng sản phẩm, bao tiêu sản phẩm còn gặp khó khăn. Cùng với đó, quy trình canh tác chưa đồng bộ dẫn đến sản phẩm không đồng đều; việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bảo quản chưa đúng cách... là những rào cản lớn trong kết nối, tiêu thụ.
Đối với cây bưởi Diễn có vụ thu hoạch dải vụ trong hơn 1 tháng, quả có thể bảo quản tới sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, để đảm bảo giá thành sản phẩm trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thì cần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Bằng cách hỗ trợ hướng dẫn cho thương nhân, DN sản xuất, kinh doanh tiêu thụ trên địa bàn TP tiếp cận, nâng cao năng lực quản lý, khai thác và vận hành các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Theo bà Hòa, thực tế hiện nay một số diện tích trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và hữu cơ đều trên địa bàn TP có đầu ra khá ổn định nhờ được bao tiêu sản phẩm. Do đó, về lâu dài, cần khuyến khích người dân tự xây dựng thương hiệu, đầu tư chuyên sâu nâng cao chất lượng để chinh phục thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật theo hướng VietGap, GlobalGap và hữu cơ. Đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn an toàn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; kết nối, mời gọi các DN, các tổ chức, đơn vị sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài TP quan tâm tham gia chế biến, tiêu thụ.
PHƯƠNG NGA