Vùng bãi xã Võng La những năm gần đây trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn của huyện Đông Anh. Theo anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Võng La, trước kia vùng bãi của xã để hoang hóa, anh đã thuê lại đất của người dân và phát triển mô hình trồng cam Canh, cam Vinh... Đến nay, gia đình anh có hơn 30ha trồng cam, cho thu nhập khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Về vùng trồng cam của Võng La, Chủ tịch UBND xã Võng La Phạm Văn Nghĩa thông tin, xã đã quy hoạch vùng bãi phát triển cây ăn quả và các mô hình trang trại tổng hợp, nông nghiệp sinh thái… xã căn cứ quy hoạch để hỗ trợ nông dân về nguồn vốn và công nghệ; đồng thời, hỗ trợ người dân trong đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm cam và chuối, hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín, hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã Vân Nội, vùng trồng rau an toàn nổi tiếng của Đông Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Rau an toàn Hải Anh Nguyễn Thế Hanh chia sẻ, đầu tư theo hướng trang trại, công ty tập trung xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng hữu cơ để sản phẩm được công nhận đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, hình thành chuỗi cung ứng khép kín. Các loại rau của trang trại đã được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), được gắn 3-4 sao. Hiện trong thời điểm dịch bệnh, mỗi ngày cơ sở bán ra thị trường 5-6 tạ rau, củ các loại (trong điều kiện bình thường bán khoảng 1 tấn rau, củ, quả/ngày), giá trung bình 10-20 nghìn đồng/kg. Mỗi tháng, trang trại tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/tháng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, hiện toàn huyện có 40 mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín. Các mô hình đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp điều kiện phát triển huyện thành quận trong những năm tới. Điển hình, huyện có 10 tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn và hoa lan với diện tích 2,45ha; sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP, sản xuất hữu cơ với 20ha. Ngoài ra, huyện đã hình thành vùng trồng hoa - cây cảnh với diện tích 150ha, chủ yếu là hoa đào, quất cảnh, hoa hồng, hoa ly, chậu hoa cảnh các loại; vùng cây ăn quả được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn với diện tích khoảng 50ha trồng chuối, bưởi Diễn...
Cùng với phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi, Đông Anh còn tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, huyện đã triển khai xây dựng được 4 nhãn hiệu tập thể là: Gạo nếp cái hoa vàng xã Thụy Lâm; đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà; vùng sản xuất quất Tàm Xá; sản phẩm đậu làng Chài, xã Võng La… Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu góp phần nâng cao giá trị và chất lượng cho sản phẩm, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Đánh giá về các mô hình sản xuất theo chuỗi gắn với ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Đông Anh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận xét: Các mô hình sản xuất theo chuỗi đã khẳng định tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của huyện. Việc phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp là một trong những nguồn lực để Đông Anh sớm trở thành quận của thành phố Hà Nội.