Cây ăn quả chất lượng tốt - không lo đầu ra
Đến thăm mô hình trồng bưởi hữu cơ tại xã Yên Sở (huyện Hoài Đức), ai cũng phải trầm trồ khen. Theo bà Trần Thị Dần, ở Đội 8 - một trong những người tham gia mô hình trồng bưởi Diễn đạt tiêu chuẩn hữu cơ của ngành Nông nghiệp, mặc dù chưa tới kỳ thu hoạch nhưng 100% sản lượng bưởi của gia đình đã có khách đặt, giá 30.000-35.000 đồng/quả.
Tương tự, tại hộ anh Nguyễn Văn Nhân cùng xã, nhờ chất lượng bưởi vượt trội, giá bán tại vườn cũng đạt 30.000-40.000 đồng/quả.
Toàn bộ sản lượng bưởi tại các vườn đều có khách đặt, nông dân không phải lo đầu ra.
Lý giải điều này, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Yên Sở (huyện Hoài Đức) Trần Hữu Tâm chia sẻ, nhiều năm qua, nông dân được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, các vườn bưởi được trồng lâu năm (10 năm trở lên), chất lượng quả vào giai đoạn ngon nhất. Năm 2021, vùng bưởi của xã có 1,1ha được trồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ và 5ha trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với 35 hộ tham gia. Vùng trồng bưởi của địa phương đã được cấp mã số vùng trồng bưởi bằng hệ thống tiêu chuẩn OTAS phục vụ trong nước và xuất khẩu. Toàn bộ vùng bưởi khi tham gia mô hình trồng hữu cơ và GlobalGAP đều được cấp phân bón hữu cơ, túi bọc quả..., nhờ đó, chất lượng bảo đảm, quả đều, đẹp, vàng, sáng bóng, mỏng vỏ, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Tại xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì), có hơn 100ha trồng chuối, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn quả/năm. Toàn xã hiện có hơn 60% diện tích sắp cho thu hoạch tập trung từ nay đến Tết Nguyên đán, sản lượng dự kiến đạt 600-700 tấn. Ngoài bán một phần quả tươi phục vụ thị trường, để ổn định đầu ra cho nông dân, đặc biệt trong thời điểm thu hoạch rộ, Hợp tác xã nông nghiệp Thuần Mỹ đã xây dựng thêm lò sấy, hoàn thiện công nghệ chuối sấy; nỗ lực xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm chuối sấy Thuần Mỹ trở thành đặc sản của huyện Ba Vì.
Tại huyện Gia Lâm, thông qua các hội đoàn thể, chính quyền địa phương, toàn bộ mô hình chuối sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của địa phương đều được hỗ trợ kết nối tiêu thụ thuận lợi, nông dân yên tâm sản xuất.
Trên 70% sản lượng nông dân tự tiêu thụ
Tuy nhiên, không phải vùng trồng cây ăn quả tập trung nào trên địa bàn thành phố cũng được hỗ trợ bao tiêu đầu ra sản phẩm. Hiện, vẫn có tới 70% sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội, với sản lượng hơn 100.000 tấn các loại, từ nay đến Tết Nguyên đán do nông dân tự tìm đầu ra.
Những ngày này, tại vùng cây ăn quả ven sông Đáy thuộc xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức), nhiều vườn bưởi, vườn táo chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch. Theo thống kê, diện tích cây ăn quả, chủ yếu là 2 loại trái cây trên của xã Lê Thanh khoảng 45ha. Cây ăn quả trở thành nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân nơi đây. Dù vậy, mô hình canh tác cây ăn quả chưa đạt như kỳ vọng.
Theo bà Dương Thị Hưng, một hộ trồng cây ăn quả lớn tại xã Lê Thanh, tổng diện tích trồng cây ăn quả của gia đình khoảng 1ha. Tuy nhiên, giá bưởi bán tại vườn của gia đình chỉ khoảng 10.000 đồng/quả; giá táo tùy thị trường, dao động từ 7.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Song, như hầu hết các hộ có vườn cây ăn quả ở Lê Thanh, hộ bà Hưng phải tự tìm đầu ra cho nông sản, chưa có bất cứ tổ chức, doanh nghiệp nào tham gia xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ bưởi, táo giúp bà con nơi đây.
Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Nguyễn Tất Chung cho biết, việc kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con Lê Thanh là bài toán không dễ có lời giải. Do vậy, mong muốn của chính quyền và nhân dân địa phương là được sự quan tâm về đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hoà cho biết, bên cạnh một số vùng cây ăn quả được hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng các mô hình quản lý chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu… thì vẫn có nhiều vùng cây ăn quả chưa được hoặc chưa đủ điều kiện; nhiều địa phương có quy mô còn manh mún, phân tán nên việc đầu tư, bảo quản chất lượng sản phẩm, bao tiêu sản phẩm còn gặp khó khăn, hiệu quả không cao; quy trình canh tác chưa đồng bộ dẫn đến quy cách sản phẩm không đồng đều; việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bảo quản chưa đúng cách dẫn đến tỷ lệ sản phẩm bị hư hỏng cao (25-30%)... là những rào cản lớn trong kết nối, tiêu thụ.
Mặt khác, vùng cây ăn quả của Hà Nội chịu áp lực rất lớn từ nguồn cung trái cây ở các tỉnh lân cận như: Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Hưng Yên... cũng đang vào vụ thu hoạch rộ. Theo bà Hòa, trước mắt, ngành Nông nghiệp cần khuyến khích người dân tự xây dựng thương hiệu, chất lượng nông sản để chinh phục thị trường. Về lâu dài, các địa phương và người dân cùng ngành Nông nghiệp cần đầu tư chuyên sâu để nâng cao chất lượng, xây dựng các vùng cây ăn quả mang tính đặc sản nhằm phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu…