Thích ứng với thách thức từ giá phân bón
Nhu cầu không tăng đột biến, năng lực sản xuất vẫn đáp ứng được nhu cầu thị trường nhưng giá phân bón liên tục tăng trong năm 2021, nhiều loại tăng 30-40%, thậm chí gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, khiến chi phí sản xuất gia tăng. Với diện tích đất nông nghiệp lớn (hơn 100.000ha), ngành Nông nghiệp Hà Nội yêu cầu các địa phương, hợp tác xã, nông dân tích cực chuyển đổi, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng với thách thức này


Khu vực trồng lúa vụ mùa năm 2021 tại xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm - 3 tăng” đã giảm được 50% lượng phân bón mà vẫn bảo đảm năng suất.

Giảm phân bón, không giảm năng suất

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội), chi phí phân bón chiếm 15-22% cơ cấu giá thành sản xuất lúa, rau màu các loại. Mỗi vụ sản xuất, tùy loại cây trồng/1ha canh tác, lượng phân bón được sử dụng khoảng 300-600kg. 6 tháng gần đây, giá phân bón các loại luôn ở ngưỡng cao, có những loại tăng tới 100%. Cụ thể, giá phân u rê có loại mức giá khoảng 16.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ các năm trước chỉ 6.700 đồng/kg.

Trong bối cảnh đó, nông dân các địa phương đã tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để giảm phần lớn phân bón trên đồng ruộng. Như hộ ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa) đã áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm - 3 tăng” (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả) của ngành Nông nghiệp, nhờ đó đã giảm được 50% lượng phân bón cũng như chi phí sản xuất mà năng suất lúa vẫn đạt quanh ngưỡng 60 tạ/ha, lợi nhuận đạt hơn 20 triệu đồng/ha, gấp đôi so với bình quân chung. Ngoài hộ ông Tiến, nhiều hộ nông dân ở xã Liên Bạt cũng đã áp dụng hiệu quả mô hình này.

Tương tự, nhiều nông dân của xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) đã không phải sử dụng phân bón trong vụ mùa năm 2021 nhờ chăn nuôi vịt thả đồng kết hợp với quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Chuyên Mỹ Nguyễn Văn Tuyến khẳng định, áp dụng biện pháp này, nông dân trên địa bàn xã chỉ sử dụng phân bón các loại tương đương 50% bình quân chung của cả nước mà năng suất lúa vẫn bảo đảm. Hộ bà Đặng Thị Lan ở xã Phú Túc (cùng huyện Phú Xuyên) trồng 2 sào bưởi Diễn, đu đủ, ổi... Do việc mua lân, kali gặp khó khăn, giá cả tăng cao nên gia đình bà đã linh hoạt bón thay thế bằng nước ngô, đậu tương ngâm và phân gia súc ủ hoai mục. Đến nay, vườn cây ăn quả đang cho thu hoạch, chất lượng và năng suất đều đạt cao.

Về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho hay, hiện nay, giá phân bón tăng cao, nhất là urê tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà này, nếu nông dân sản xuất vụ đông không áp dụng phương pháp canh tác mới thì giá thành sản xuất rau màu sẽ tăng. Do đó, hợp tác xã vận động bà con thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ tại chỗ, đồng thời áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Đề xuất giảm 70% lượng phân bón vô cơ

Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã nghiên cứu kỹ đồng ruộng kết hợp với kinh nghiệm của nông dân để đề ra phương thức canh tác phù hợp ngay trong vụ đông xuân 2021-2022, theo hướng chỉ bón 50% lượng phân để giảm chi phí.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung nhận định, trong những tháng tới, giá phân bón khó có thể hạ nhiệt, bởi giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng rất cao, nguyên liệu chính cho sản xuất (gồm: Khí amoniac tăng hơn 200%, lưu huỳnh tăng hơn 230%...). Chưa kể, chi phí vận chuyển trên toàn cầu cũng tăng cao do tác động của dịch Covid-19, khiến các hãng tàu, container vận chuyển đều đội giá gấp 3-4 lần, trong khi nhiều nhà máy lớn phải ngừng hoạt động để chống dịch...

“Khi coi giá phân bón là thành tố được chi phối bởi cung - cầu thị trường quốc tế, ngành Nông nghiệp cần có biện pháp thích ứng, nông dân phải được hướng dẫn sử dụng phân bón theo quy trình, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả với từng đối tượng cây trồng. Cục Bảo vệ thực vật chủ trương giảm chi phí đầu vào đối với sản xuất theo hướng lượng phân bón giảm nhưng vẫn bảo đảm năng suất”, ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Bổ sung giải pháp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nêu rõ, để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để giảm lượng phân bón, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có (phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt...) nhằm vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học.

Nhằm giảm thiểu việc sử dụng cũng như lệ thuộc vào phân bón vô cơ, trong năm 2020, lượng phân bón hữu cơ cả nước sử dụng là 2,63 triệu tấn; năm 2021, mục tiêu của Bộ NN&PTNT là 3 triệu tấn. Tại Hà Nội, năm 2021, nông dân toàn thành phố sử dụng 250.000-260.000 tấn, trong đó, phân hữu cơ, sinh học, phân gia súc... ủ hoai mục chiếm 60%, góp phần giảm chi phí sản xuất.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 5903
Tổng lượng truy cập: 22292262