Những cánh đồng không thuốc bảo vệ thực vật ở Hà Nội
Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích gieo trồng lớn nhất miền Bắc với gần 200.000ha. Những năm qua, nhờ nỗ lực trong thay đổi phương thức canh tác, bảo vệ hệ sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn, tại nhiều huyện trên địa bàn TP xuất hiện ngày càng nhiều vùng sản xuất an toàn, nói "không" với thuốc bảo vệ thực vật.

Đến thăm thôn Vĩnh Thượng (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy những cánh đồng rau bát ngát không thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Để có được những cánh đồng sạch này, người dân thôn Vĩnh Thượng đã sử dụng các chế phẩm sinh học tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng Nguyễn Văn Hùng cho hay: “Hướng tới phát triển vùng rau an toàn, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện mở các lớp tập huấn cho người dân về cách trồng rau an toàn. Theo đó, người dân đã triển khai thực hiện tốt quy trình trồng rau, quả an toàn, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các loại phân bón vô cơ.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng
(xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa). Ảnh: Ngọc Ánh
 

Không chỉ trên cây lúa, cây rau, các vùng cây ăn quả của Hà Nội cũng đang hướng tới vùng cây ăn quả hữu cơ, nói "không" với thuốc bảo vệ thực vật. Hộ anh Nguyễn Văn Năm, ở xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) có hơn 1ha vườn trồng 400 gốc bưởi Diễn chia sẻ, để chất lượng bưởi ngon, an toàn, nông dân ở đây trồng bưởi chỉ diệt ruồi vàng bằng bẫy dính, xử lý nấm thân bằng phun kali cộng đạm; bón phân hữu cơ trộn với EM, đậu tương, cá ngâm men vi sinh...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, năm 2020, lượng thuốc bảo vệ thực vật nông dân Hà Nội sử dụng là 239 tấn/năm, tức trung bình 1,5kg/ha/năm, trong đó có những huyện rất thấp như: Phú Xuyên 0,26kg/ha/năm, Chương Mỹ 0,3kg/ha/năm, Ứng Hòa 0,3kg/ha/năm... Có được thành quả đó là nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân.

Cánh đồng lúa canh tác theo phương thức hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh
 

Tính riêng trong 5 năm qua, Hà Nội đã tổ chức 1.139 lớp tập huấn về IPM rau cho 34.170 nông dân, qua đó, 100% nông dân tiếp thu và ứng dụng, lan truyền tới 50.000 nông dân khác; 897 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất rau an toàn cho 49.500 người, trong đó, 100% số người được tập huấn nắm rõ quy định về an toàn thực phẩm; triển khai, thực hiện hơn 500 thử nghiệm kỹ thuật mới không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, như: Che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ triển khai tại 116 xã.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để nhân rộng vùng sản xuất không thuốc bảo vệ thực vật, đối với cây lúa, ngành nông nghiệp chỉ đạo trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các quận, huyện, thị xã cần thực hiện đồng bộ các khâu, như: Chọn bộ giống có sức chống chịu tốt, cấy theo SRI mạ non/thưa, rút nước trong một thời gian, chăm sóc từng giai đoạn, bón phân cân đối...

Đối với cây ăn quả, thu hoạch xong cần vệ sinh, cắt cành, tỉa tán, bón phân cân đối, chủ yếu là phân hữu cơ hoai mục kết hợp vôi, lân chứ không lạm dụng phân hóa học. Đối với cây rau, nông dân được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, VietGAP, hữu cơ, sử dụng bẫy bả, bẫy dính để loại trừ sâu hại...

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9075
Tổng lượng truy cập: 25380947