Để ngăn chặn, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm mới phát sinh và từng bước xử lý các vụ vi phạm tồn đọng. Ngày 02/6/2014, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội có công văn số 1038/SNN-TTr về việc xử lý vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị:
1. Đối với UBND các quận, huyện, thị xã
- Phối hợp với doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (trước mắt là các vi phạm mới, ngăn chặn vi phạm mới và tái vi phạm) và triển khai thực hiện giải tỏa các vụ vi phạm nghiêm trọng gây cản trở dòng chảy.
- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi từ khi mới phát sinh.
- Tăng cường công tác tuyên truyền Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Nghị định 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Đê điều và PCLB, Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 về việc ban hành Quy định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Tổ chức cho các hộ dân sống trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ký cam kết không vi phạm.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi.
2. Yêu cầu
2.1. Đối với Chi cục Thủy lợi Hà Nội
- Đôn đốc các Doanh nghiệp thuỷ lợi xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ hệ thống và các công trình thuỷ lợi trên địa bàn quản lý chi tiết đầy đủ theo quy định để làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý (công tác cắm mốc giới các công trình, hồ sơ quản lý đất công trình…).
- Đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi tổ chức thực hiện việc lập dự án cắm mốc giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trong địa bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chủ động thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành để phát hiện và có biện pháp xử lý các vi phạm pháp luật khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi theo quy định; phối hợp, đôn đốc chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm theo đúng thẩm quyền.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền và chính quyền địa phương để tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
2.2. Đối với các doanh nghiệp thủy lợi
- Thường xuyên kiểm tra phát hiện, lập biên bản, báo cáo chính quyền sở tại kịp thời đối với các trường hợp vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý.
- Thống kê, rà soát, phân loại các vi phạm pháp luật về thủy lợi trên địa bàn Thành phố (theo thời gian, hình thức…) và chủ động đôn đốc chính quyền các địa phương lập kế hoạch, phương án, có biện pháp ngăn chặn, xử lý các vi phạm còn tồn đọng, vi phạm mới phát sinh; Đồng thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
- Chủ động lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác xây dựng hoàn chỉ hồ sơ pháp lý quản lý công trình thủy lợi đúng đủ theo quy định (cắm mốc chỉ giới, hồ sơ quản lý đất công trình…).
- Làm tốt công tác phổ biến tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
- Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền cơ sở để giải tỏa vi phạm; tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi.
- Tiếp tục rà soát, đánh giá mức độ vi phạm, thiết lập hồ sơ quản lý, theo dõi, giám sát để từng bước có kế hoạch và số liệu cụ thể giải tỏa các vụ vi phạm công trình thủy lợi.
- Tổng hợp, đánh giá phân loại báo cáo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội về số liệu thống kê tình hình vi phạm trên địa bàn quản lý.
2.3. Đối với Thanh tra Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tham gia việc thực hiện ngăn chặn và giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi.
- Tổ chức thanh tra theo kế hoạch đã được Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội phê duyệt.