Mỗi tháng, Tổ hợp tác xuất ra thị trường từ 7-10 tấn rau ăn lá |
Để thống nhất quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP, nâng cao giá trị sản phẩm, tháng 8/2020, phường Đồng Mai đã cho thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng với 37 thành viên tham gia, diện tích trồng 1,725ha. Tổ hợp tác trồng chủ yếu là rau ăn lá (cải mơ, cải ngồng, cải bắp, cải thảo, cải ngọt, cải bẹ, hành lá); rau ăn quả (cà chua); rau ăn thân (su hào) và rau ăn hoa (súp lơ). Sản lượng trung bình từ 7-10 tấn rau củ quả VietGAP/tháng. Nông dân ở đây được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau an toàn và theo hướng VietGAP, tiêu chuẩn TCVN 11892-1: 2017.
Ông Trần Văn Thạch - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Đồng Hoàng chia sẻ, Tổ sản xuất được chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm có một tổ trưởng để kiểm tra chéo các tổ khác trong việc áp dụng quy trình sản xuất. Quá trình sản xuất phải đáp ứng 4 tiêu chí khắt khe, gồm kỹ thuật sản xuất, môi trường làm việc, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm.
Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP phải có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng cũng như giúp cho việc kiểm tra xuất xứ sản phẩm của cơ quan quản lý và khách được dễ dàng hơn. “Sau gần 2 năm thay đổi phương pháp canh tác, tôi nhận thấy cái lợi trước hết là ý thức bảo vệ môi trường. Qua đó đảm bảo sức khỏe cho chính người trồng, sau là đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm cho chính người sử dụng” – ông Trần Văn Thạch nhận xét.
Tổ hợp tác Đồng Hoàng đã trồng thành công giống dưa vàng Hàn Quốc |
Ông Trần Văn Thạch chia sẻ thêm, với mục tiêu đưa các giống cây mới vào sản xuất, tháng 3/2021, Tổ hợp tác đã triển khai thí điểm mô hình trồng dưa vàng Hàn Quốc trên diện tích 700m2. Đây là giống dưa ngắn ngày, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 70-80 ngày. Giống dưa này có ưu điểm mẫu mã đẹp, chất lượng quả ngon ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Với diện tích 700m2, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả, giá bán trên thị trường dao động trong khoảng 30.000-35.000 đồng/kg. Sau khi đánh giá hiệu quả, mô hình sẽ được mở rộng sản xuất trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Mai Nguyễn Văn Hoàn cho biết, toàn phường Đồng Mai hiện còn hơn 197ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó riêng tại thôn Đồng Hoàng còn hơn 20ha. Sau khi Đồng Mai sáp nhập về Hà Đông, Đảng ủy - UBND phường xác định, nông nghiệp phải theo hướng chuyên nghiệp hơn. Theo đó, giải pháp đưa ra là phải thay đổi cơ cấu mùa vụ, tập trung xây dựng các phương án sản xuất, luân canh cây trồng hợp lý để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Phường đã đưa các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thường xuyên, triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp… Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm của Tổ hợp tác gặp khó khăn. Để đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, phường đã giao nhiệm vụ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ phường phụ trách bán hàng, giao cho Đoàn Thanh niên phụ trách giao hàng.
Để thực hiện mục tiêu lâu dài, phường đang nỗ lực hình thành quy trình khép kín về sản xuất – bán hàng và giao hàng đến người tiêu dùng. Phường đã mời Công ty TNHH Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đứng ra bao tiêu, phụ trách tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho người nông dân. Ngoài việc kêu gọi DN đứng ra bao tiêu sản phẩm, phường Đồng Mai cũng tập trung kêu gọi DN đầu tư quy hoạch phát triển nông nghiệp du lịch sinh thái. Bởi tiềm năng phát triển nông nghiệp du lịch sinh thái là rất lớn.