Kết quả các mô hình khuyến nông với cây lúa vụ xuân 2012
Hà Nội có khoảng 200.000 ha diện tích đất gieo cấy lúa hàng năm. Cơ cấu giống lúa chủ yếu vẫn là giống lúa thuần KD18 đã được đưa vào sản xuất hơn 15 năm nay và đang có biểu hiện thoái hoá. Bộ giống lúa chất lượng còn nghèo nàn chủ yếu là Bắc thơm số 7, trong khi đó nhu cầu đòi hỏi gạo chất lượng ngày một tăng cao.

Mặt khác, với phương pháp sản xuất lúa truyền thống như hiện nay tốn nhiều công lao động, giá thuê mướn cao gấp 2 - 3 lần so với lúc nông nhàn, giá thành sản xuất cao, người nông dân không mặn mà với nghề trồng lúa. Do vậy, trước thực trạng trên thì nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Nông nghiệp nói chung và công tác Khuyến nông nói riêng là phải tìm ra các giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng thích ứng rộng; đưa các TBKT, áp dụng các biện pháp canh tác mới nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Vụ xuân 2012, thời tiết diễn biến bất thường, từ đầu vụ đến cuối tháng 3 có nhiều đợt rét đậm, rét hại xen kẽ kéo dài gần 50 ngày làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa ở thời kỳ đầu, nhất là đối với lúa gieo thẳng; nắng nóng lại đến sớm hơn so với mọi năm đúng vào thời kỳ lúa làm đòng, trỗ bông, thời kỳ lúa chín lại liên tục bị ảnh hưởng của các trận mưa giông làm một số diện tích lúa bị đổ non, phần nào ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tuy nhiên, với 3 mô hình trình diễn đối với cây lúa do Trung tâm Khuyến nông triển khai ở các huyện đã đạt kết quả đáng kể. Cụ thể, đối với chương trình sản xuất lúa gieo thẳng vụ xuân 2012, toàn thành phố gieo được 6.981 ha, thực hiện ở 229 HTX của 15 huyện. Trong đó diện tích mở rộng lần đầu thành phố hỗ trợ 1.587 ha/1.700 ha kế hoạch, thực hiện ở 73 HTX của 11 huyện. Chương trình lúa gieo thẳng đã được đưa vào Hà Nội từ năm 2008 đến nay, qua 5 năm thực hiện đã khẳng định được tính ưu việt của nó: Giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu qủa kinh tế. Tuy nhiên việc mở rộng diện tích gặp rất nhiều khó khăn do: Thời kỳ đầu lúa sinh trưởng chậm, dễ bị chim chuột, ốc bươu vàng phá hại, thời vụ gieo lại trùng vào điều kiện thời tiết khó khăn, nhất là 2 năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường không theo qui luật: Vụ xuân mặc dù sau tiết lập xuân mới gieo xong vẫn gặp rét đậm, rét hại kéo dài làm lúa phát triển chậm, trỗ muộn, chín muộn, ảnh hưởng đến kế hoạch gieo cấy vụ mùa.

     Đối với mô hình trình diễn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng được triển khai ở 3 điểm với tổng diện tích là 30 ha tại các HTX: HTX Cần Kiệm – Thạch Thất: cấy giống TBR45; HTX Đồng Phú – Chương Mỹ: cấy giống RVT, Trân châu hương, NĐ5; HTX An Mỹ – Mỹ Đức: sử dụng giống TBR45; TBR36, ĐH18, NĐ5; toàn bộ diện tích của HTX An Mỹ áp dụng phương pháp gieo thẳng theo hàng. Trong đó có: TBR45, TBR36, ĐH18 của Công ty cổ phần giống cây trồng Thái Bình. Giống RVT, Trân châu hương của Công ty CP giống cây trồng Trung ương; giống Nam Định 5 (NĐ5) của Công ty cổ phần giống cây trồng Nam Định. Các giống lúa trên đều là những giống lúa có triển vọng đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận cho sản xuất thử tại miền Bắc (riêng giống ĐH8 chưa được công nhận; giống TBR45 được công nhận đặc cách năm 2011).      
    Đối với mô hình máy cấy được triển khai ở 5 điểm với quy mô 44 ha. Trong đó, thành phố hỗ trợ 20 ha, triển khai ở 4 điểm bằng giống lúa lai 3 dòng Hương ưu 3068 (HTX Đại Thắng – Phú Xuyên 5ha; HTX Lưu Khê – Liên Bạt – Ứng Hoà 5 ha; HTX Tản Hồng – Ba Vì 5 ha; HTX Yên Nội - Đồng Quang – Quốc Oai 5 ha). Ngoài ra tại điểm Đại Áng – Thanh Trì, doanh nghiệp liên kết làm dịch vụ cho nông dân là 24 ha, sử dụng giống lúa thuần LT6. Máy cấy được sử dụng là máy cấy KUBOTA, vì máy nhẹ, dễ vận chuyển và thao tác, có hệ thống phao tự điều chỉnh lên xuống tuỳ theo độ lầy thụt của ruộng. Với 1 máy cấy 1 ngày làm 8 giờ cấy được từ 0,8 – 1ha, bằng từ 25 – 30 người vừa cấy và nhổ mạ, mật độ cấy 33 khóm/m2 (hàng x hàng = 30cm; khóm x khóm = 12cm, mỗi khóm cấy từ 1 – 4 dảnh).
              Qua triển khai các điểm này đều khẳng định lúa cấy bằng máy sinh trưởng, phát triển, chịu rét tốt, đẻ nhánh khoẻ, tập trung, số dảnh hữu hiệu cao, bình quân 8 – 10 dảnh/khóm, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh, bông to, dài và đều bông, cho năng suất cao. Mô hình được bà con nông dân đánh giá rất cao.
Các mô hình trình diễn đối với cây lúa trong vụ xuân 2012 do Trung tâm Khuyến nông triển khai đều đạt kết quả tốt. Đó là do có sự ủng hộ, vào cuộc của chính quyền cơ sở, tuy nhiên không ít nơi các cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc, chưa nhiều HTX NN làm được dịch vụ cho nông dân; hạ tầng đồng ruộng chưa phù hợp với lúa gieo thẳng, chưa chủ động được tưới tiêu; đặc biệt do tâm lý của bà con nông dân vẫn quen với phương thức sản xuất truyền thống, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới. Với máy cấy, vì đây là vụ đầu tiên đưa máy cấy vào sản xuất nên việc tuân thủ quy trình chưa được chú ý, nhất là khâu làm mạ nên sau khi cấy một số điểm vẫn phải mất công tỉa dặm (cơ bản là dặm những chỗ mất khoảng do gieo mạ không đều); mặt khác bà con nông dân đang quen cấy với mật độ 45 – 50 khóm/m2, hàng x hàng = 18 – 20cm, chưa quen cấy với khoảng cách hàng x hàng = 30cm, vì vậy một vài hộ dân chưa tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật mới đã đi dặm thêm vào giữa 2 hàng lúa.
Từ những kết quả trên, vụ mùa 2012 Trung tâm Khuyến nông tiếp tục chỉ đạo thực hiện mô hình ở các điểm trên địa bàn TP đã thực hiện trong vụ xuân và mở rộng thêm diện tích ở các điểm khác với qui mô 100 ha (riêng huyện Phú Xuyên mở rộng thêm 8 điểm với quy mô 70 ha), cấy bằng giống lúa lai Hương ưu 3068 để đánh giá chính xác hơn hiệu quả của máy cấy, tính kháng rầy và kháng bạc lá của giống lúa lai này.
Thông qua các mô hình Khuyến nông đối với cây lúa vụ xuân 2012, đồng thời rút kinh nghiệm triển khai chương trình lúa gieo thẳng 5 năm qua. Năm 2013 đề nghị UBND các huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân bằng nguồn kinh phí của huyện để duy trì, mở rộng diện tích lúa gieo thẳng. Thành phố chỉ hỗ trợ những nơi xây dựng cánh đồng mẫu lớn, qui hoạch được vùng sản xuất tập trung từ 100ha trở lên. Đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội bổ sung các giống lúa: TBR45, TBR36 thay thế dần giống lúa KD18; bổ sung giống lúa RVT vào cơ cấu giống lúa chất lượng cao; các giống còn lại tiếp tục cho trình diễn, khảo nghiệm ở các vụ tiếp theo để có đánh giá chính xác hơn. Máy cấy được đưa vào sản xuất thay thế phương pháp gieo cấy thủ công theo truyền thống là rất phù hợp với thời điểm hiện nay và phù hợp với chủ trương, chỉ đạo của UBND Thành phố về dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, từng bước đưa cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa./.

 admin   Trung tâm Khuyến nông Hà Nội


BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1237
Tổng lượng truy cập: 25344896