Trung tâm Khuyến nông Hà Nội vừa phối hợp với Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình tổ chức Hội thảo đầu bờ các giống lúa mới TBR36, TBR45 và ĐH18 tại xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức).
Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & PTNT; Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội; Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình; Lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức; Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các trạm khuyến nông trên địa bàn thành phố. Vụ xuân năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình tổ chức khảo nghiệm các giống lúa mới TBR36, TBR45, ĐH18 và NĐ5 tại xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) với quy mô 10ha. Toàn bộ diện tích áp dụng phương pháp gieo thẳng theo hàng bằng công cụ kéo tay; quy hoạch một vùng tập trung trên chân đất vàn trũng. Qua quá trình triển khai, đến nay, tất cả các điểm lúa đang trong thời kỳ chín, sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Qua đo đếm, năng suất ước đạt như sau: Giống TBR36, ước năng suất thực thu là 68,2 tạ/ha; TBR45, ước năng suất thực thu là 72,9 tạ/ha; ĐH18 là 76,6 ha.
Để các giống lúa mới được mở rộng ra đại trà, ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & PTNT đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội chính thức đưa giống TBR36, TBR45 vào cơ cấu giống lúa của thành phố. Đối với giống ĐH18, Cục Trồng trọt đề nghị Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình tổng kết lại kết quả các vụ để khẳng định ưu điểm, chỉ ra hạn chế của giống.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội nhận định, sản xuất lúa Thủ đô cần đẩy nhanh các giải pháp về kỹ thuật, làm giảm lao động của người dân sao cho chi phí nhân công thấp nhất. Thành phố khuyến khích việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và đề xuất phương án thay thế giống khang dân, Q5, Bắc thơm số 7. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông cần phối hợp với các huyện tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT về việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa. /.
admin Trung tâm Khuyến nông