Mục tiêu phát triển chim trĩ đỏ khoang cổ
Chim trĩ đỏ khoang cổ là loài động vật hoang dã quý hiếm, có trong sách đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng. Sau khi bảo tồn và nhân nuôi thành công tại Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã - Viện chăn nuôi Quốc gia từ năm 2006 đến nay, đàn chim đã phát triển tăng đàn đáng kể. Sau 2 năm triển khai trên địa bàn (năm 2012-2013) cho kết quả khả quan, con đực nặng 1,7kg, cá biệt có con nặng trên 2kg, con mái nặng 1,2kg sau 5 tháng nuôi. Tiêu tốn thức ăn thấp: lượng thức ăn/ngày chỉ bằng ½ lượng cho gà ăn; để đạt 1,5kg thịt (con đực) tiêu tốn hết 6,7kg thức ăn. Năng suất đẻ trứng đạt 90-110 trứng/mái/6 tháng đẻ (từ tháng 4 đến hết tháng 9). Năm 2013, tại huyện Đan Phượng đã có hàng trăm hộ chăn nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ cho thu nhập cao, nhiều hộ gia đình cho thu nhập 200-300 triệu đồng/100 mái đẻ.
Từ những kết quả ban đầu thông qua các mô hình trình diễn khuyến nông cho thấy, với mục tiêu chuyển chim trĩ đỏ khoang cổ từ động vật hoang dã quý hiếm có trong sách đỏ, được nuôi làm cảnh trong các công viên, sở thú, thành vật nuôi nông nghiệp, cung cấp thịt, trứng cho xã hội như các vật nuôi thông thường như lợn, gà, trâu bò.. là hoàn toàn khả thi.
Chim trĩ đỏ khoang cổ dễ nuôi
Loại trừ khó khăn ở giai đoạn từ 0 – 4 tuần tuổi, chim trĩ đỏ rất dễ nuôi. Chuồng trại nuôi chim trĩ đỏ hết sức đơn giản, đầu tư ban đầu rẻ tiền, có thể tận dụng chuồng lợn, chuồng gà sẵn có, cải tạo lại, căng lưới là có thể nuôi được. Khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh như chống nóng, chống rét tốt hơn gà rất nhiều. Qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài năm 2012, các đợt nắng nóng nhiều ngày năm 2013, không có con chim trĩ đỏ khoang cổ nào chết do rét hoặc nắng nóng, mặc dù không có biện pháp chống nóng nào. Từ khi nuôi cho đến nay, mới phát hiện chim trĩ đỏ khoang cổ mắc các bệnh thông thường như tiêu chảy, đau mắt, việc điều trị đơn giản, nhanh khỏi, và chưa mắc một loại bệnh truyển nhiễm nào. Thức ăn của chim trĩ đỏ đơn giản, dễ kiếm, thường ăn chung với thức ăn của gà, vịt, chim cút... Ngoài ra, sau thời gian úm, giai đoạn hậu bị và vỗ béo, chim trĩ đỏ khoang cổ có thể ăn thóc, ngô, các loại thân chuối và buồng chuối xanh, chuối chín, rau muống, rau lang các loại…Việc chăm sóc nuôi dưỡng cũng hết sức đơn giản, hàng ngày chỉ một lần cho ăn, cho uống. Sau khi kết thúc chu kỳ nuôi mới dọn và vệ sinh chuồng trại, nhìn chung việc chăm sóc nuôi dưỡng đơn giản hơn nhiều so với nuôi gà.
Thị trường chim trĩ đỏ khoang cổ rất tiềm năng
Hiện nay, mặc dù số lượng đàn đã tăng đáng kể, nhưng chim trĩ đỏ khoang cổ vẫn đang trong giai đoạn nhân đàn, việc nuôi thương phẩm mới chỉ bắt đầu, chưa có bán trên thị trường. Chỉ một số nhà hàng chuyên chim trĩ có chim thịt bán, tuy nhiên đây chỉ là chim đực thừa trong quá trình nuôi hậu bị, hoặc chim loại thải sau khi kết thúc chu kỳ sinh sản.
Các con vật nuôi đặc sản như nhím, chồn, tắc kè, cá sấu…., nếu giá thương phẩm trên thị trường rất rẻ đi chăng nữa, không phải gia đình nào cũng có thể dùng được thịt của chúng. Với mục tiêu khai thác thịt, trứng, rất ngon và bổ dưỡng, chim trĩ đỏ khoang cổ có tính phổ biến rộng rãi hơn nhiều. Chim chĩ đỏ gần như một loài gia cầm, như gà vịt, ngan ngỗng….nhưng chất lượng thịt, trứng ngon hơn, vì vậy hầu hết mọi gia đình đều có thể ăn được thịt chim trĩ khi nó phổ biến và giá cả hợp lý. Sau giai đoạn nhân đàn, chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm, sản phẩm chim trĩ đỏ khoang cổ sẽ tăng nhanh. Thịt, trứng chim trĩ đỏ quý nhưng không còn hiếm nữa. Giá thịt chim trĩ từ 350.000-400.000 đ/kg trước kia hiện nay chỉ còn 200.000-250.000đ/kg, chỉ ngang giá gà chọi, rẻ hơn rất nhiều gà Đông Tảo.
Trước kia, khi xuất hiện các con vật nuôi mới, thường giá giống rất cao, hoàn toàn có lợi cho người bán giống. Khi chuyển sang nuôi thương phẩm thì bão hòa, hiệu quả thấp, thậm chí lỗ vốn, phá sản. Để phát triển chăn nuôi bền vững, cần có sự cân bằng lợi ích giữa các khâu sản xuất: Người nuôi giống – Người nuôi thịt – Người tiêu dùng. Chim trĩ đỏ khoang cổ đã và đang phát triển theo hướng này: người chăn nuôi giống, thịt đang có hiệu quả cao, với giá cả như hiện nay và tương lai giá chim thịt còn giảm nữa, người tiêu dùng có thu nhập trung bình hoàn toàn chấp nhận được và đưa thịt, trứng chim trĩ vào trong bữa ăn của gia đình.
Mô hình khuyến nông “phát triển chăn nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ” của Trung tâm khuyến nông Hà Nội, ngoài giống, vật tư hỗ trợ cho người tham gia mô hình, Trạm khuyến nông huyện đã đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức tham quan, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, giúp cho nông dân tiếp thu kỹ thuật chăn nuôi con vật nuôi mới. Việc tư vấn, tổ chức sản xuất, giới thiệu đầu ra cho sản phẩm cũng được coi trọng, góp phần cho sự thành công của mô hình. Thông qua mô hình này, nông dân trong và ngoài địa bàn thành phố đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, mở ra một hướng phát triển chăn nuôi con vật nuôi mới mang lại hiệu quả cho người sản xuất.
Một số khó khăn và đề nghị
Nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ đang gặp một số khó khăn nhất định cần phải giải quyết khi đưa ra sản xuất đại trà:
Một là, kỹ thuật chăn nuôi, nhất là giai đoạn úm từ 0-4 tuần tuổi yêu cầu áp dụng quy trình nghiêm ngặt và đòi hỏi có kinh nghiệm nhất định. Hiện nay, nếu có kỹ thuật và kinh nghiệm có thể nuôi sống 80 - 90%, tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm, tỷ lệ chết khá cao.
Hai là, do đây là động vật hoang dã, chuồng nuôi chim thịt, chim đẻ tốn rất nhiều diện tích. Mặt khác, với điều kiện khí hậu ở miền Bắc Việt
Ba là, vấn đề quản lý hiện nay cũng gây khó khăn cho việc phát triển đàn, nhiều hộ nông dân ngại vì khi phát triển chăn nuôi loại động vật hoang dã này phải thực hiện các thủ tục hành chính, cụ thể là phải được cơ quan kiểm lâm cấp phép nuôi. Mặt khác trong thực tiễn ví dụ, chỉ với một hộ chăn nuôi quy mô 500 mái đẻ, một chu kỳ thu được 5 vạn trứng, ấp nở được 4 vạn chim. Việc đưa ra thị trường sẽ rất phức tạp nếu kiểm lâm phải theo dõi hàng vạn con chim từ 500 mái đẻ này, chưa kể nếu một huyện hàng trăm hộ nuôi với hàng nghìn mái đẻ. Nên chăng nhà nước nên đưa chim trĩ đỏ khoang cổ ra khỏi sách đỏ, không phải làm các thủ tục kiểm lâm, chỉ còn làm các thủ tục kiểm dịch thú y như các con vât nuôi khác.
Bốn là, đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu sâu về con chim trĩ đỏ khoang cổ, đề ra quy trình chăn nuôi chuẩn, đặc biệt là nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm, sản xuất các loại vacxin phòng các bệnh chuyên cho chim trĩ đỏ khoang cổ.
Cuối cùng, vì là con vật nuôi mới, cần có chính sách tuyên truyền quảng bá rộng rãi về hiệu quả, cũng như chất lượng thực phẩm từ thịt chim trĩ bằng nhiều cách để chim trĩ đỏ được chấp nhận nhanh chóng mở rộng ra đại trà.
Với đặc tính kỹ thuật, sinh học tốt như đơn giản, dễ nuôi, tính chống chịu với điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt, đồng thời với khả năng cho năng suất thịt và trứng khá, người chăn nuôi có thu nhập cao, hy vọng trong thời gian tới, chim trĩ đỏ khoang cổ sẽ nhanh chóng tăng đàn, trở thành vật nuôi nông nghiệp, như kỳ vọng của các nhà khoa học khi nhân nuôi bảo tồn thành công và đưa ra sản xuất tại các gia đình nông dân./.