Năm 2009, thực hiện chủ trương quy hoạch xây dựng vùng chăn nuôi ngoài khu dân cư của UBND xã Sơn Công, gia đình anh Hùng có điều kiện chuyển nhà ra ngoài làng và mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại với diện tích trên 7.000 m2.
Anh Hùng cho biết: Trước đây gia đình anh chăn nuôi lợn trong làng, quy mô có 15 con nái, vấn đề anh gặp phải trong chăn nuôi là vệ sinh môi trường, hệ thống tiêu thoát nước thải kém, chuồng trại chật hẹp, ẩm thấp, dẫn đến tình trạng lợn hay bị dịch bệnh, sinh trưởng kém, hiệu quả kinh tế vì thế không cao.
Cùng với việc mở rộng quy mô trang trại, anh Hùng đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, khép kín có hệ thống chuồng lồng cho từng lứa lợn, có đầy đủ hệ thống điện, hệ thống dàn mát để điều hòa không khí trong chuồng, có bể lọc nước uống, nước tắm cho lợn, hệ thống máng ăn tự động. Bên cạnh đó, để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, toàn bộ chất thải từ lợn được xử lý bằng hầm Biogas. Việc xây dựng hệ thống Biogas không những cung cấp toàn bộ chất đốt trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn dùng để sưởi cho lợn con. Ngoài ra, nước thải từ hầm biogas anh Hùng sử dụng làm nguồn phân bón cho hơn 1.000 m2 đất sản xuất nông nghiệp của gia đình. Trang trại của gia đình anh Hùng thường xuyên thực hiện phun thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ nên tỷ lệ sống của đàn lợn cao, phát triển nhanh...
Hiện nay, quy mô trang trại của gia đình anh Hùng có 80 con lợn nái sinh sản, bình quân mỗi năm cho xuất chuồng từ 300 - 400 lợn giống thương phẩm và 15 - 20 tấn lợn hơi mỗi tháng, doanh thu mỗi năm đạt hàng trăm triệu đồng. Sự thành công của trang trại gia đình anh Hùng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Với quy mô trang trại hiện tại, gia đình anh đang thuê 6 lao động với mức lương trung bình là 2,5 triệu đồng/người/tháng, lao động kỹ thuật là 5 triệu đồng/tháng. Mặc dù đây chưa phải là mức lương cao nhưng công việc ổn định và được làm việc gần nhà nên người lao động rất yên tâm và nhiệt tình với công việc.
Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản ngoài khu dân cư đạt hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Đỗ Văn Hùng, cho thấy phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, tập trung ngoài khu dân cư là hướng đi thích hợp, góp phần tác động thay đổi tập quán chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ của bà con nông dân địa phương, chuyển sang chăn nuôi trang trại tập trung khép kín, xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa ô nhiễm từ chất thải trong chăn nuôi lợn. Đây cũng là một trong những trang trại điển hình cho thấy hiệu quả của mô hình chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, được chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận và đánh giá cao./.