Ngày 16/11/2015, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tổ chức tiếp nhận từ chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang 01 cá thể Khỉ đuôi lợn với trọng lượng 4,0 kg.
Hình ảnh: Cá thể Khỉ đuôi lợn được bàn giao cho Trung tâm cứu hộ ĐVHD Hà Nội, để cứu hộ chăm sóc nuôi dưỡng. |
Loài khỉ đuôi lợn, có tên khoa học là Macaca nemestrina (thuộc bộ Linh trưởng). Đặc điểm nhận dạng: có chiều dài đầu và thân là 725-795 mm, chiều dài đuôi là 125-200 mm, trọng lượng cá thể Khỉ trưởng thành khoảng 5 - 14 kg. Bộ lông thường là màu xám, đỉnh đầu có đám lông xoáy hướng ra xung quanh màu nâu hoặc đen, đuôi giống đuôi lợn thường cong ngược lên phía lưng, sau trán có mảng lông màu nâu đậm hình tam giác.
|
Trước đó, cá thể Khỉ đuôi lợn trên đã được gia đình nhà ông Đồng Văn Nam, ở khu phố Hà Vị 2, phường Thọ Xương, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang chăm sóc, nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ. Sau một thời gian nuôi dưỡng và chăm sóc tại gia đình, đến nay qua thông tin tuyên truyền gia đình ông Đồng Văn Nam được biết đây là loài động vật hoang dã quý hiếm thuộc nhóm IIB cần được bảo vệ theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ và là loài động vật hoang dã quý hiếm, cấm buôn bán vận chuyển, nuôi dưỡng trái phép. Gia đình Ông đã làm đơn tự nguyện giao nộp cá thể khỉ cho chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang để bàn giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo sức khoẻ, phục hồi tập tính sinh học trước khi thả về môi trường tự nhiên.
Đặc điểm sinh thái của loài khỉ đuôi lợn: Sống trong các khu rừng già, rừng thưa trên núi đất, sống theo đàn thường có từ 5 - 12 cá thể. Thức ăn chủ yếu là quả hạt, chồi cây và côn trùng.
Vùng phân bố: Trên thế giới ở Myanma;
Trước năm 1975, loài này còn gặp rất phổ biến ở các khu rừng trong cả nước trên diện tích ước tính khoảng > 20.000km2.
Từ năm 1975 trở lại đây tình trạng của các loài Khỉ nói chung và loài Khỉ đuôi lợn nói riêng thay đổi rõ rệt. Số lượng quần thể giảm mạnh. Số lượng tiểu quần thể hiện nay chỉ khoảng 30. Nguyên nhân biến đổi là do nơi cư trú của chúng bị xâm hại, rừng bị chặt phá nhiều, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp và đặc biệt là tình trạng săn bắt trái phép để lấy thịt, nấu cao, buôn bán vì mục đích thương mại ngày càng gia tăng.
Hiện nay, để bảo vệ loài động vật này Chính phủ đã đưa vào danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của ngành Lâm nghiệp (Nhóm IIB Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 22/4/2006 của Chính Phủ; Phụ lục 1 Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ). Đồng thời xây dựng các Trung tâm; khu bảo tồn thiên nhiên và các chương trình quản lý các loài động vật hoang dã nói chung và các loài bị đe doạ nói riêng./.