Gương sản xuất điển hình: Mô hình trồng bưởi theo hướng VietGap tại xã Cát Quế, Hoài Đức
Với lợi thế có vùng đất bãi trù phú ven sông Đáy, trong những năm qua, huyện Hoài Đức đã tập trung phát triển một số loại cây ăn quả đặc sản đem lại lợi ích kinh tế cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Trong đó, một số loại cây ăn quả đã trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương như nhãn chín muộn, bưởi, cam canh, phật thủ... Mô hình trồng bưởi theo hướng VietGap tại xã Cát Quế là một trong những mô hình cho hiệu quả cao tại huyện Hoài Đức

 Xã Cát Quế có diện tích trồng bưởi tập trung là 87 ha. Trồng bưởi đang hứa hẹn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và nguồn lợi lớn cho bà con nông dân, với thu nhập trung bình hàng năm trên 100 triệu đồng.

Từ bao đời nay, ở vùng bãi ven sông Đáy có một giống bưởi ngọt: cây cao, trái nặng, múi nhiều nước, tôm ráo và vị ngọt lịm. Theo các cụ cao tuổi kể lại thì bưởi này ngày xưa thường được dùng để “Tiến Vua” bởi quả rất to (khoảng 1,2-1,5kg) và có vị ngọt thơm. Loại bưởi này được nhân dân vùng Cát Quế gọi là bưởi Ta (hoặc bưởi Tháp Thượng, bưởi Quế Dương). Giống bưởi đường Quế Dương có khả năng sinh trưởng khoẻ, chống chịu sâu bệnh tốt, tán cây hình bán cầu, bộ lá to, xanh thẫm. Cây ra hoa vào đầu tháng 2 đến đầu tháng 3 dương lịch. Quả có dạng hình cầu, vỏ màu vàng chanh và nhẵn mịn. Múi quả dày, mọng nước, có vị ngọt không the đắng, tỉ lệ phần ăn được của quả đạt 68,5-76,5%. Một trong những ưu điểm nổi trội của giống bưởi này là thời gian bảo quản dài vài tháng sau thu hoạch mà không ảnh hưởng đến chất lượng và vị ngọt của quả.

Cùng với bưởi Quế Dương, trên địa bàn xã Cát Quế còn phát triển trồng giống bưởi Diễn (có nguồn gốc từ xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm). Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên cây bưởi Diễn ở đây cũng phát triển rất tốt và cho chất lượng cao. Với những ưu thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn nước, đất đai, những năm gần đây xã Cát Quế trở thành nơi cung cấp các giống bưởi ngon được thị trường ưa chuộng.

Tham gia chương trình phát triển cây bưởi theo hướng hàng hóa và thực hiện mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap của địa phương từ năm 2009, gia đình ông Nguyễn Duy Trung, đội 9 Tháp Thượng được hỗ trợ về phân bón, thuốc BVTV và đặc biệt là được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật theo hướng VietGap . Ông Trung đã áp dụng theo đúng các quy trình kỹ thuật vào sản xuất từ khâu tỉa cành, thụ phấn, tỉa quả, sử dụng phân bón hợp lý đến khâu chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch...Năm 2013 theo chương trình Đề án phát triển cây ăn quả của TP Hà Nội, gia đình ông được hỗ trợ túi bao quả nhờ đó mà tỷ lệ quả bị cháy nắng giảm đi rất nhiều, quả bưởi nhẵn bóng và bắt mắt hơn. Theo ông Trung nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và đúng quy trình nên vườn bưởi của gia đình mấy năm nay đều cho năng suất cao hơn, thu nhập của gia đình cũng được nâng cao hơn. Hiện tại vườn nhà ông có hơn 50 gốc bưởi bao gồm cả bưởi Quế Dương và bưởi diễn, năm 2013 với trên 4000 quả bưởi cho thu hoạch gia đình ông dự kiến thu về trên 150 triệu đồng.

Hộ gia đình anh Nguyễn Duy Hà, đội 7 Tháp Thượng cũng là một trong những hộ ở xã Cát Quế tham gia phát triển trồng bưởi theo hướng VietGap. Là một người trẻ tuổi, kế tục sự nghiệp trồng bưởi của gia đình nên anh mong muốn nhiều người biết đến đặc sản của quê hương anh. Qua chương trình phát triển cây bưởi của địa phương mà gia đình anh Hà không những có được nguồn thu nhập ổn định mà hơn thế nữa những trái bưởi của gia đình anh đã có mặt ở rất nhiều hội chợ nông nghiệp ngoài bắc cũng như trong nam. Theo anh, khi tham gia trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap người nông dân được hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thâm canh, được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng túi bao quả; hệ thống tưới khoa học; áp dụng thời điểm bón phân hợp lý.v.v...nhờ đó mà năng suất và chất lượng cây trồng được nâng cao và cây bưởi đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân xã Cát Quế.

Hiện nay, toàn bộ diện tích bưởi của xã Cát Quế đang mùa thu hoạch để phục vụ dịp tết Nguyên đán. Có thể khẳng định, đến nay mô hình sản xuất theo hướng VietGap cho cây bưởi tại xã Cát Quế đã thành công cả về lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội cũng như môi trường. Việc định hướng trong việc hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật mới, nhân rộng mô hình trồng bưởi theo hướng VietGap, tin rằng sản phẩm bưởi Cát Quế, Hoài Đức sẽ nâng cao khả năng và vị thế trên thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi để Cát Quế xây dựng thành công thương hiệu cho cây bưởi, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trung tâm Khuyến nông

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 10816
Tổng lượng truy cập: 24888394