NHỮNG CHIẾN BINH THẦM LẶNG TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG
Rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội không chỉ là lá phổi xanh của thủ đô mà còn đóng vai trò bảo vệ môi trường sống và đảm bảo an ninh sinh thái. Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội, viên chức và người lao động hằng ngày không ngừng nỗ lực để bảo vệ và duy trì tài nguyên thiên nhiên quý báu này. Họ là những chiến binh trong công tác bảo vệ và chữa cháy rừng, luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để đảm bảo an toàn cho khu rừng.

Cháy rừng là một trong những thảm họa tự nhiên gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ tàn phá hệ sinh thái rừng mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân và tác động tiêu cực đến môi trường khí hậu. Những viên chức của Ban quản lý rừng như những "chiến binh thầm lặng," cống hiến và hi sinh vì nhiệm vụ bảo vệ rừng xanh quê hương.

 


Ảnh 1: Hình ảnh rừng trong đám cháy

 

1. Vai trò của Viên chức, người lao động Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội

Viên chức Ban quản lý rừng chịu trách nhiệm bảo vệ, duy trì và phát triển rừng, đảm bảo hệ sinh thái rừng luôn bền vững và an toàn. Đặc biệt trong giai đoạn mùa khô, khi nguy cơ cháy rừng tăng cao, trách nhiệm này càng trở nên quan trọng hơn hết. Viên chức và người lao động Ban không chỉ là những người thường xuyên kiểm tra hiện trạng rừng mà còn trực tiếp tham gia vào việc xử lý và ngăn chặn các đám cháy. Đây là công việc nguy hiểm, đòi hỏi lòng yêu nghề, yêu rừng, sự kiên trì, kỷ luật và khả năng làm việc nhóm cao.


Ảnh 2: Viên chức, người lao động Ban quản lý rừng chữa cháy trong đêm

 

Để việc chữa cháy rừng đạt được hiệu quả phải đảm bảo được 2 yếu tố, khoanh vùng đám cháy để ngăn cháy lan ra xùng quanh và xử lý thực bì sau đám cháy để ngăn ngừa đám cháy bùng phát trở lại. Trong đó việc xử lý thực bì sau đám cháy thường chiếm nhiều thời gian hơn cả. Nếu không xử lý tốt, chỉ cần một cơn gió sẽ làm đám cháy bùng phát trở lại. Đôi khi chỉ cần một sai sót, công sức chữa cháy cả buổi sẽ trở về con số không.

 


Ảnh 3: Viên chức, người lao động Ban quản lý rừng chữa cháy trong đêm

 

Nhận thức rõ sự nguy hiểm do cháy rừng gây ra, lực lượng viên chức và người lao động Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng luôn phải trong tư thế sẵn sàng di chuyển khi có tín hiệu báo cháy. Các công việc như tuần tra, giám sát, và xử lý các tình huống khi xảy ra cháy, đặc biệt ở những địa điểm vẫn còn nhiều vật liệu nổ như bom, đạn còn sót lại không chỉ đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao mà còn yêu cầu kiến thức chuyên môn, khả năng nhận định tình hình và một sức khỏe tốt. Đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng, khô hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng gia tăng, họ luôn túc trực để kịp thời ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất để bảo vệ màu xanh của rừng và sự an toàn của cộng đồng.

 


Ảnh 4: Thảm thực bì khô nỏ sau nhiều ngày khiến ngọn lửa lây lan nhanh chóng

 

2. Sự chuẩn bị và phòng ngừa

Để đối phó với nguy cơ cháy rừng, các viên chức thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực dễ cháy và thiết lập các biện pháp phòng ngừa. Bên cạnh đó những viên chức, người lao động của Ban còn tham gia các buổi tuyên truyền giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức cho người dân sống gần rừng về việc phòng cháy, chữa cháy.


Ảnh 5: Công tác đóng mốc xác định vị trí làm đường hạ cấp ngăn cháy lan trong rừng

 

Vai trò của họ không chỉ đơn thuần là những công việc “bảo vệ rừng,” mà còn đóng vai trò là những người tiên phong trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Qua những chương trình tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, họ đã góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn các nguy cơ gây hại từ việc đốt rác ở gần rừng, chặt phá, xâm phạm rừng trái phép và sử dụng tài nguyên rừng không đúng mục đích. Bằng cách duy trì mạng lưới thông tin cảnh báo sớm qua zalo và thường xuyên giữ liên lạc với chủ nhận khoán rừng, Ban có thể phản ứng kịp thời khi có sự cố xảy ra. Nhờ vậy, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội không chỉ giữ gìn và bảo vệ mà còn duy trì được sự bền vững của khu rừng, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thủ đô.

3. Quyết tâm và sự hi sinh thầm lặng trong công tác chữa cháy

Khi ngọn lửa bùng phát, viên chức và người lao động tại Ban lập tức tham gia chữa cháy, bất chấp nguy hiểm và điều kiện khó khăn. Họ sử dụng thiết bị chuyên dụng như máy thổi gió, máy cưa xăng,.. và cả những thứ đơn giản như cành cây, cào sắt miễn sao có thể ngăn chặn và khoanh vùng đám cháy. Cùng lúc đó, họ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cứu hộ khác như cứu hoả, y tế, quân đội và dân quân địa phương với mục đích duy nhất là dập tắt đám cháy và giảm thiểu tối đa thiệt hại đến người và tài nguyên rừng.

Tình trạng đám cháy mỗi lúc khác nhau và thời gian xảy ra cháy bất kể ngày hay đêm cũng là một trong những khó khăn trong công các cứu chữa cháy rừng. Đôi khi đám cháy bùng lên ngoài giờ làm việc, đầu giờ sáng hay ngay trong đêm, khi đó viên chức và người lao động Ban phải đặt công việc cá nhân sang một bên để lên đường đi chữa cháy rừng. Có những ngày, đơn vị tham gia chữa cháy từ chiều tối hôm trước, đến khi về nhà thì mặt trời đã lên.

Sự hi sinh thầm lặng của những "chiến binh" này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường rừng và giữ vững cuộc sống của biết bao sinh vật và cộng đồng dân cư.

4. Cần ghi nhận và tôn vinh

Dù ít được biết đến, nhưng những đóng góp của viên chức và người lao động Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội là vô cùng to lớn và xứng đáng được ghi nhận. Công việc của họ không chỉ là một nhiệm vụ mà là sứ mệnh cao cả, bảo vệ nguồn sống quý giá cho chính chúng ta và thế hệ tương lai.

Chính vì vậy, cần có sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền cũng như cộng đồng, không chỉ để tôn vinh họ mà còn để cung cấp các điều kiện làm việc an toàn và hiệu quả hơn. Chính những "chiến binh thầm lặng" này đang giữ gìn "lá phổi xanh" của thành phố, góp phần xây dựng một môi trường trong lành cho thế hệ mai sau.

Nguyễn Thị Thu Hằng - Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3293
Tổng lượng truy cập: 25102161