Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở Hà Nội: Tạo ra môi trường sinh thái bền vững
Xác định quản lý bảo vệ, phát triển rừng phải gắn với tổng thể kinh tế - xã hội của Thủ đô, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã nỗ lực làm tốt công tác quy hoạch, góp phần tạo ra môi trường sinh thái bền vững, là “lá phổi xanh” cho thành phố. Bên cạnh kết quả đạt được, nhiệm vụ này cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần có những giải pháp để sớm tháo gỡ. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

 


 

Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại xã Sơn Đông, TX Sơn Tây

 

- Làm tốt công tác quy hoạch rừng sẽ bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu… Vậy, nhiệm vụ này có ý nghĩa như thế nào đối với Hà Nội, thưa ông?

 

- Hà Nội có tổng diện tích có rừng và chưa thành rừng là hơn 27.162ha, trong đó, diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng hơn 19.656ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ là hơn 18.847ha, độ che phủ rừng là 5,67%. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực này, trong đó, có Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 01/2/2013 của UBND thành phố Hà Nội về “Phê duyệt quy hoạch và phát triển rừng thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2020”. 

 

Theo bản quy hoạch này, thành phố thiết lập, quản lý, bảo vệ phát triển bền vững 26.621ha đất và rừng được quy hoạch cho 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất)... Quy hoạch hướng đến mục tiêu, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 7,5%; thu nhập 1ha đất lâm nghiệp đạt 40-60 triệu đồng/ha/năm; tạo việc làm hằng năm cho 10.000-15.000 lao động. 

 

Cùng với đó, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung 406ha cây rừng; nâng cấp rừng trồng trong rừng phòng hộ 1.561ha; làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt 315ha. Trong giai đoạn này, thành phố trồng mới 6.453ha và trồng trên 10 triệu cây phân tán. Hoàn thành giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng, cho thuê rừng 20.383ha. Hoàn thành việc cắm mốc ranh giới 3 loại rừng.

 

- Ông có thể chia sẻ về những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của thành phố?

 

- Triển khai thực hiện quy hoạch, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn thành phố và tỉnh giáp ranh với Hà Nội làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; tạo điều kiện cho người dân ổn định đầu tư phát triển sản xuất, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm áp lực vào rừng. Chính vì vậy, rừng được quản lý tốt, phát triển ổn định, trữ lượng ngày được nâng cao, chất lượng dần được cải thiện. Các vụ cháy rừng được phát hiện, xử lý kịp thời, giảm thiệt hại về diện tích và tài nguyên rừng do cháy rừng xảy ra.

 

Trên cơ sở quy hoạch, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các phòng, ban của UBND các huyện, thị xã có rừng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phối hợp với lực lượng công an, quân đội và các tỉnh có rừng, đất lâm nghiệp giáp ranh với Hà Nội nên rừng được quản lý bảo vệ tốt hơn, ít xảy ra cháy rừng, phá rừng, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đều được phát hiện, xử lý kịp thời, đúng quy định…

 

- Theo ông, bên cạnh kết quả đạt được cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thành phố?

 

- Đúng vậy, trên địa bàn thành phố chưa thực hiện việc giao đất gắn với giao rừng, nhiều đơn vị được giao rừng nhưng chưa được giao đất nên chưa có chủ rừng thực sự theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Quy hoạch 3 loại rừng của thành phố đến nay cũng có nhiều bất cập. Đó là, việc phân định ranh giới 3 loại rừng trên bản đồ không đầy đủ, chưa rõ ràng, ngoài thực địa chưa được cắm mốc xác định ranh giới. Trong khi đó, diện tích đất lâm nghiệp ở một số địa phương còn trùng lấn với diện tích đất ở và đất khác, ranh giới các loại đất chưa rõ ràng, vì vậy, vẫn xảy ra tình trạng xâm lấn, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, gây khó khăn cho công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp…

 

Mặt khác, một số quy hoạch chuyên ngành (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu đô thị, hạ tầng…) không tham vấn của Sở NN&PTNT về quy hoạch lâm nghiệp dẫn đến trùng lấn giữa quy hoạch lâm nghiệp với các quy hoạch chuyên ngành khác. Cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển, được đầu tư đồng bộ, giao thông thuận lợi, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân ngày càng cao, đặc biệt là các khu du lịch sinh thái nên áp lực lên rừng và đất lâm nghiệp ngày càng tăng…

 

- Để làm tốt công tác quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã đề xuất những giải pháp nào với các cấp, các ngành thành phố, thưa ông?

 

- Trong thẩm quyền, chúng tôi đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đo đạc lại toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp, xây dựng bản đồ địa chính cho rừng đất lâm nghiệp làm cơ sở để cắm mốc ranh giới rừng, đất lâm nghiệp ngoài thực địa. Tổ chức giao đất gắn với giao rừng để rừng và đất lâm nghiệp thực sự có chủ, bảo đảm thực thi pháp luật về quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Đây là giải pháp quan trọng và là khâu then chốt để giải quyết dứt điểm các tranh chấp và để chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo quy định pháp luật. 

 

Song song với đó, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền cơ sở về quản lý nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

 

Chúng tôi cũng đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt xác định rõ ranh giới 3 loại rừng cả trên bản đồ và ngoài thực địa để thuận lợi cho phát triển kinh tế lâm nghiệp.

 

Theo tôi, để làm tốt nhiệm vụ trên, các ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành Nông nghiệp để nâng cao hiệu quả trong quản lý rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là các khu vực dễ xảy ra trình trạng xâm lấn rừng và đất lâm nghiệp…

 

Trân trọng cảm ơn ông!

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9704
Tổng lượng truy cập: 22065804