Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình trình diễn lúa vụ Mùa
Vụ mùa 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục triển khai xây dựng các dạng mô hình trình diễn lúa, đó là mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng, quy mô 80ha (tại 8 điểm trên địa bàn 8 huyện) và mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 100ha (tại 5 điểm trên địa bàn 5 huyện). Hiện tại các dạng mô hình đang được Trung tâm Khuyến nông tập trung chỉ đạo triển khai nhằm đảm bảo mô hình được thực hiện theo đúng khung thời vụ.

Vụ lúa xuân vừa qua là một vụ thắng lợi đối với mỗi xã viên Hợp tác xã(HTX) nông nghiệp Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, HTX đã tiếp nhận mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm để triển khai đến xã viên. Với giống Thiên Ưu 8, mô hình vụ xuân đã cho năng suất 260 -270kg/sào, bà con rất phấn khởi. Ông Phạm Quý Ba – Giám đốc HTX cho biết: Đối với vụ mùa, HTX đã tiếp nhận giống, phân bón, chế phẩm theo đúng cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố. HTX đã tổ chức xử lý rơm rạ bằng chế phẩm theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất. Sau 15 ngày xử lý bằng chế phẩm vi sinh AT-YTB, rơm rạ đã bị hoai mục hoàn toàn, đất tơi xốp, không có mùi tanh hôi. Hiện tại, bà con xã viên đã cấy xong, trong thời gian tới HTX sẽ phối hợp với Trạm khuyến nông huyện tiếp tục theo dõi, kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa để đảm bảo vụ mùa tiếp tục thắng lợi.

Trên cơ sở kết quả tốt của vụ Xuân, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đang tập trung chỉ đạo triển khai vụ Mùa nhằm đảm bảo mô hình được thực hiện theo đúng khung thời vụ và tiếp tục thu được thắng lợi. Các dạng mô hình khuyến nông trình diễn đối với cây lúa được Trung tâm Khuyến nông triển khai ở cả 2 vụ Xuân và vụ Mùa. Do vụ xuân năm nay thu hoạch muộn nên đối với vụ Mùa, ngoài hỗ trợ 100% giống và 30% phân bón, các hộ tham gia mô hình còn được hỗ trợ 30% chế phẩm vi sinh AT-YTB dùng để xử lý rơm rạ. Thực trạng rơm rạ được vùi lại trong đất sau khi thu hoạch vụ xuân không những không phát huy tác dụng tốt mà còn ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây lúa trong vụ mùa do thời gian đất nghỉ giữa hai vụ lúa ngắn. Trong trường hợp này, rơm rạ không kịp phân hủy để cung cấp dinh dưỡng cho cây mà trái lại, sự phân hủy hữu cơ không triệt để còn làm cho cây lúa non bị ngộ độc sau khi cấy. Cây lúa bị ngộ độc hữu cơ do quá trình phân hủy rơm rạ kéo dài sau khi vùi thường sinh trưởng, phát triển kém. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này bà con nông dân nên sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ ngay tại đồng ruộng. Chế phẩm vi sinh AT-YTB có thành phần chứa nhiều vi sinh vật hữu hiệu, có tác dụng phân hủy, hoai mục nhanh rơm rạ, chất hữu cơ để tạo chất mùn làm tơi xốp đất, bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường độ phì nhiêu của đất. Đồng thời, tăng cường sức đề kháng, ức chế nhiều loại mầm bệnh, khắc phục hiện tượng ngộ độc hữu cơ trên ruộng lúa. Ông Nguyễn Văn Hà - TP Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Công tác thực hiện các dạng mô hình trình diễn đối với cây lúa vụ mùa được Trung tâm triển khai rất khẩn trương. Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cấp giống, phân bón và chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ sau thu hoạch đã được Trung tâm tập trung triển khai đúng kế hoạch và tiến độ đề ra. Trung tâm cử cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn và tích cực hỗ trợ các HTX tổ chức gieo cấy cho bà con. Hiện tại, tất cả các điểm mô hình đã tổ chức cấy xong cho bà con. Cây lúa đã bén rễ, hồi xanh và đang thời kỳ đẻ nhánh. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ cùng với các HTX triển khai mô hình thường xuyên theo dõi, kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa để đảm bảo mô hình vụ mùa này tiếp tục thắng lợi.

Việc triển khai mô hình ở cả 2 vụ sẽ giúp cho các địa phương so sánh với giống lúa Khang Dân 18, Bắc Thơm số 7 về khả năng thích ứng, tính chống chịu sâu bệnh và hiệu quả kinh tế, từ đó lựa chọn các giống lúa phù hợp bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương. Kết quả của mô hình sau 2 vụ sẽ là cơ sở để Trung tâm đề xuất với Sở NN&PTNT Hà Nội đưa các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống lúa của thành phố kết hợp với việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nhằm giúp cho sản xuất lúa của Hà Nội ngày càng đem lại hiệu quả cao./.

Lưu Thị Phượng - Phòng Thông tin tuyên truyền & XTTM - TTKN Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3910
Tổng lượng truy cập: 22076432