Hà Nội: Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc
Ngày 05/4/2016, tại huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi tổ chức diễn đàn “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Bắc”.

Tới dự diễn đàn, có gần 300 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Trung tâm Khuyến nông, chi cục thú y các tỉnh, các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và nông dân trong vùng cùng đông đảo cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Diễn đàn được tổ chức đúng vào đợt cao điểm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn nông sản, nhiều chương trình hành động đã được Bộ tổ chức từ trung ương đến cơ sở nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về chất cấm và kháng sinh cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức của nhiều người chăn nuôi vẫn còn hạn chế, họ đã cố tình hay vô tình sử dụng chất cấm hoặc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhằm thu lợi nhuận bất chính. Vì vậy, diễn đàn này là dịp để các nhà quản lý, người chăn nuôi, doanh nghiệp… tiếp cận được thông tin hai chiều, từ đó thống nhất tiếng nói chung trong quản lý và ngăn chặn việc sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi.

\"\"

Toàn cảnh Diễn đàn


Theo Cục Chăn nuôi, từ năm 2015 đến tháng 2/2016 Cục Chăn nuôi đã tiến hành kiểm tra từ các địa phương 1.893 cơ sở, có 58 cơ sở có vi phạm chất cấm. Trong đó có 17/1.239 mẫu  thức ăn chăn nuôi vi phạm chất cấm, 257/3.972 mẫu nước tiểu lợn vi phạm chất cấm, 12/451 mẫu thịt, phủ tạng vi phạm chất cấm.

\"\"

Giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng kít thử nhanh chất cấm trong nước tiểu lợn

Trước tình hình đó, ngay trong những tháng đầu năm 2016, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) tổ chức thanh tra đột xuất, phát hiện triệt phá một số cơ sở lưu thông, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi. Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 11 Công ty. Cục C49 đã tiến hành cử trinh sát thường xuyên bám sát địa bàn, lấy mẫu khảo sát bí mật trên thị trường đối với các Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, kết quả đã phát hiện nhiều vi phạm ở nhiều tỉnh/thành phố. Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, đến thời điểm này hành vi sử dụng chất Salbutamoll đã giảm và có xu hướng đẩy lùi.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết: Gần đây, vấn đề sử dụng chất tạo nạc, chất tạo màu trong chăn nuôi đã gây hoang mang trong dự luận người tiêu dùng. Những chất này khi đi vào cơ thể động vật sẽ dễ dàng lưu lại trong thịt. Khi con người ăn phải thịt có chứa các chất này sẽ gây hại lớn tới sức khỏe người tiêu dùng, gây ra ngộ độc cấp tính và mãn tính với các triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, nguy cơ sảy thai… Đối với gia súc khi ăn các chất cấm này sẽ chết sau 15 ngày, do đó các hộ nuôi thường sử dụng các chất cấm trên khi gia súc gần đến ngày xuất chuồng. 

\"\"

Các đại biểu thăm cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Thịnh An (Thanh Trì, Hà Nội)

 

Tại Diễn đàn, đã có hàng chục câu hỏi được gửi đến Ban cố vấn, tập trung vào nhưng nội dung: Tác hại của chất cấm và các loại kháng sinh nằm trong danh mục cấm; Ngưỡng tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi lợn, gà; Cách nhận biết bằng mắt thường sản phẩm an toàn và sản phẩm chứa chất cấm, kháng sinh. Việc nhận biết chất cấm tồn dư trong thực phẩm bằng mắt thường được nhiều chuyên gia cho là khó. Vì vậy, người tiêu dùng cần tố giác các hành vi vi phạm tới số điện thoại nóng các địa phương và cần tìm đến các địa điểm bán thực phẩm an toàn. 

 

\"\"

Nông dân tham dự diễn đàn đặt câu hỏi đến Ban cố vấn

TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi, giết mổ cũng như người tiêu dùng, đồng thời huy động cả cộng đồng chung sức với ngành nông nghiệp trong cuộc chiến chống lại chất cấm, kháng sinh vì các sản phẩm chăn nuôi nói riêng và nông sản nói chung, hướng tới các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì sức khỏe của con người.

Tổng kết Diễn đàn, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân đã đưa ra 4 nhóm giải pháp quan trọng cần thực hiện đồng bộ từ các bộ ngành và các địa phương nhằm giảm dần trước mắt là năm 2016 và đến trước năm 2020, Việt Nam sẽ không còn sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản, như sau:

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

- Tác hại của chất cấm với sức khỏe cộng đồng và nòi giống Việt Nam;

- Tác hại của việc sử dụng chất cấm với uy tín, thương hiệu nông sản Việt Nam nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng đối với thế giới và người tiêu dùng trong nước;

- Phát động phong trào toàn dân “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi”, vận động nhân dân, bà con nông dân phát hiện tố giác các hành vi vi phạm.

- Các quy định về quản lý và biện pháp xử lý đối với các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (Điều 190, 191, 317 Bộ Luật Hình sự năm 2015).

- Tuyên truyền thúc đẩy hoạt động của đường dây nóng.

2. Rà soát hoàn thiện thể chế liên quan trong kiểm soát chất cấm sử dụng trong chăn nuôi

- Điều chỉnh danh mục chất cấm sử dụng trong chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo các quy định trong nước và hài hòa với các cam kết quốc tế;

- Chuẩn hóa các quy trình kiểm soát, bao gồm các thể chế hành chính và các giải pháp khoa học kiểm soát chặt chẽ và có hiệu quả việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi.

3. Tiến hành kiểm tra, thanh tra việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu có liên quan

- Kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, nhất là những cơ sở nhỏ lẻ, tự phối trộn và mua bán lén lút trao tay với người chăn nuôi;

- Kiểm tra đột xuất việc sử dụng chất cấm ngay tại các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt lưu ý các nhóm hộ chăn nuôi tự phối trộn thức ăn, hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa của các quán ăn, bếp ăn tập thể;

- Kiểm tra chặt nguồn nhập khẩu, nhất là nhập tiểu ngạch và lưu thông các sản phẩm có nguy cơ chứa các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi;

- Kiểm tra thường xuyên vấn đề tồn dư các chất cấm trong sản phẩm chăn nuôi tại các lò mổ và quầy buôn bán thực phẩm, từ đây truy xuất các cơ sở chăn nuôi.

4. Tiến hành đồng thời trên phạm vi cả nước và tập trung làm trọng điểm ở một số địa phương có nguy cơ cao

- Chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương đồng loạt triển khai các biện pháp kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, trong đó tập trung nhiều nhóm chất kích thích sinh trưởng Beta agonist (clenbuterol, salbutamol, ractopamine) và kháng sinh trên lợn, gà thịt và bò thịt.

- Tập trung làm mạnh ở một số địa phương có nhiều dấu hiệu kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phát hiện và xử lý nghiêm các vụ vi phạm trọng điểm về chất cấm để tuyên truyền, răn đe.

Tại thời điểm này, tình hình sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn đang diễn ra phức tạp. Với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kể từ ngày 1/7/2016, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thì hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm có thể bị phạt tù đến 20 năm. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng, đủ sức răn đe để có thể ngăn chặn hoàn toàn việc sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh ở nước ta trong thời gian sớm nhất.

Sắp tới, ngày 11 - 12/4/2016,  tại tỉnh Bình Dương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục tổ chức diễn đàn cùng chủ đề này ở các tỉnh phía Nam.

Hãy chung tay vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững và an toàn!

Theo khuyennongvn.gov.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 12950
Tổng lượng truy cập: 25319026