Đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển chuỗi nông sản Hà Nội

Xây dựng chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm đang là xu thế phát triển tất yếu của nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, thế nào là chuỗi và liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ đối với rất nhiều hộ, cơ sở sản xuất, chủ trang trại. Trong những năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao cho các đơn vị chuyên môn trực thuộc tích cực triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển chuỗi, trong đó có công tác đào tạo, tập huấn cho các tác nhân tham gia chuỗi.

Nhằm nâng cao kỹ năng liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, riêng trong tháng 4/2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai tổ chức 9 khóa tập huấn cho gần 300 cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở và các tác nhân tham gia chuỗi là cơ sở sản xuất, chủ trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp tại 9 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Tại các lớp tập huấn, học viên  được trang bị đầy đủ kiến thức lý thuyết cũng như thực tiễn về chuỗi, liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vậy chuỗi là gì?vì sao phải sản xuất theo chuỗi? và làm thế nào để tham gia chuỗi? Xu hướng hiên tại trong chuỗi cung ứng và thực tế một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp hiện nay….là những nội dung chính được giảng viên của Trường cao đẳng Nông nghiệp và PTNT Bắc Bộ truyền đạt với nhiều dẫn chứng thực tế sinh động, mang đến cho lớp học không khí phấn khởi, hào hứng. Ngoài nội dung lý thuyết, học viên lớp tập huấn còn được đi tham quan thực tế các mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khép kín, các hợp tác xã điển hình trong liên kết chuỗi có hiệu quả… Nói đến chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhiều người còn thấy mới mẻ và chưa hình dung được về một chuỗi hoàn chỉnh bao gồm những tác nhân nào. Vì thế nội dung của các lớp tập huấn này được đánh giá là rất cần thiết. Bởi vậy, sau khóa tập huấn tất cả các học viên đều mong muốn tham gia và xây dựng chuỗi nếu có sự hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn từ phía các cơ quan quản lý chuyên môn.

Với lợi thế là cái nôi sản sinh ra giống gà quý, gà Mía Sơn Tây, những năm qua, chính quyền địa phương cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tập trung khôi phục, hỗ trợ tổ chức sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu gà mía Sơn Tây nhằm bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống gà quý này, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi tại địa phương. Hướng tới lợi ích chăn nuôi lâu dài, chất lượng, năm 2014, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây đã được thành lập. Hội đã liên kết các hộ chăn nuôi với nhau tạo thành chuỗi chăn nuôi khép kín từ con giống tới giết mổ, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm. Hội đã kết nối và cung cấp sản phẩm gà giống chất lượng cao cho các chuỗi: gà đồi Ba Vì và gà đồi Sóc Sơn, ước tính 250.000 con/năm. Sản phẩm gà giống, gà thịt của Hội ngày càng được nhiều trang trại trong và ngoài thành phố đón nhận. Đặc biệt, tháng 6/2017, Hội đã thành lập HTX Đoài Phương với 7 thành viên; trước mắt đã xây dựng điểm giết mổ tạm thời với công suất 80 con/giờ. Hiện, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm HTX Đoài Phương đã ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm thịt gà theo chuỗi với một số đối tác như: Công ty Việt Nam ADB; Công ty BOLOGA… Đồng thời, đã xây dựng kế hoạch tiêu thụ tại địa bàn nội đô với sản lượng 3.500- 4.500 con/tháng. Hiện, việc liên kết dọc từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm gà giống, gà thịt đang hình thành rõ nét và có hợp đồng rõ ràng. Nhất là hình thành liên kết trong tất cả các khâu từ sản xuất thức ăn tự phối trộn, con giống, chăn nuôi, giết mổ… đến tay người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng và ATTP. Quy trình chăn nuôi được phổ biến, áp dụng rộng rãi trên đàn gà của các hội viên; việc chọn lọc đàn gà bố mẹ luôn được quan tâm. Độ đồng đều cao, khả năng sinh trưởng tốt và không có dịch bệnh lớn xảy ra, vì vậy, chất lượng gà giống, gà thịt được nâng lên rõ rệt và thương hiệu gà Mía Sơn Tây ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Quân – Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây thì Hội mới chỉ đang phát huy thế mạnh tiêu thụ con giống còn khâu tiêu thụ gà thương phẩm và gà qua giết mổ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, để nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi trong thời gian tới Hội rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Sở NN&PTNT trong đó có việc hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có 27 chuỗi có nguồn gốc động vật và 38 chuỗi có nguồn gốc thực vật; đồng thời, thực hiện thí điểm cấp 10 giấy xác nhận cho 10 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 21 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn. Ông Lê Lưu Cầu – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đối với cán bộ khuyến nông, cũng cần phải nhận thức đầy đủ để hướng dẫn, khuyến cáo nông dân. Ngay từ đầu năm 2018, Trung tâm đã triển khai kế hoạch tập huấn cho các tác nhân tham gia chuỗi là cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên, chủ trang trại, cán bộ, xã viên HTX và doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm. Theo kế hoạch đào tạo, tập huấn năm 2018, Trung tâm sẽ tổ chức 20 lớp tập huấn về các nội dung liên quan đến phát triển chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo Nhịp cầu nhà nông, Hội thảo nhận diện sản phẩm an toàn, qua đó, nhằm tuyên truyền, nâng cao kiến thức cũng như thu hút các tác nhân tham gia, kết nối được cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ tham gia các chuỗi, cũng như kết nối người tiêu dùng với các chuỗi sản phẩm an toàn. 

Xây dựng và phát triển các mô hình khuyến nông theo quy mô lớn, hướng tới gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường đang được Sở NN&PTNT Hà Nội tập trung chỉ đạo triển khai.Vì vậy, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng rất chú trọng đến công tác nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp nhằm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố.

Lưu Thị Phượng - Phòng Thông tin tuyên truyền & XTTM - TTKN Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3952
Tổng lượng truy cập: 21987443