KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG (Tại 3 huyện Chương Mỹ, Gia Lâm và Thanh Oai)

Để đáp ứng nhu cầu cao về lương thực, thực phẩm và đòi hỏi khắt khe về chất lượng, Hà Nội vừa phải nhập nông sản từ các địa phương khác, vừa tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, xanh và sạch. Trong xu thế hội nhập chung, việc tiêu chuẩn hoá các quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ được đặc biệt quan tâm. Một sản phẩm nông nghiệp không tuân theo các tiêu chuẩn thì sẽ khó có chỗ đứng trên thị trường.

Năm 2017, để phục vụ việc quy hoạch phát triển nông nghiệp của Thành phố theo hướng bền vững, có giá trị sản xuất cao, sạch và đảm bảo chất lượng, Sở Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa thực hiện đánh giá chất lượng đất nông nghiệp; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về hiện trạng số lượng và chất lượng đất nông nghiệp và đề xuất các phương án sử dụng đất theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả cho 3 huyện Chương Mỹ, Thanh Oai và Gia Lâm.

Đối với huyện Chương Mỹ, kết quả điều tra phân loại đất sản xuất nông nghiệp (gồm cả đất trang trại) và đất rừng sản xuất gồm có ba nhóm đất là đất Đỏ vàng có diện tích trên 2.250 ha; đất Xám bạc màu chiếm diện tích trên 3.340 ha đất Phù sa có diện tích gần 7.270 ha. Đánh giá chung, đất nông nghiệp huyện Chương Mỹ có độ phì tầng mặt từ trung bình đến cao, đặc biệt là hàm lượng lân tổng số và dễ tiêu cao.

Cụ thể với cây lúa, chiếm khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp, phân bố chủ yếu ở các xã vùng trung tâm đã có các hạn chế về độ phì tầng mặt, đặc biệt là dung tích hấp thu thấp. Với cây ngô, toàn bộ diện tích đều có các điểm hạn chế; hoặc do đất thấp trũng, hoặc do đất chua. Với cây bắp cải, phần lớn diện tích đất cũng có các điểm hạn chế do đất ngập úng hoặc thiếu dinh dưỡng hoặc chua. Với cây khoai tây và các cây đậu đỗ, đất sản xuất nông nghiệp huyện Chương Mỹ cũng đều có các điểm hạn chế hoặc do đất có thành phần cơ giới nặng, hoặc thấp trũng hay chua nhẹ. Đây cũng là các điểm hạn chế đối với cây ăn quả, do đó khoảng 50% diện tích được đánh giá ít thích hợp với cây ăn quả; phần còn lại chỉ thích hợp ở mức trung bình.

Trên cơ sở kết quả đánh giá thích hợp, đã xây dựng bản đồ đề xuất định hướng phát triển sản xuất cho huyện với 9 kiểu sử dụng đất chính được đề xuất. Trong đó, dành trên 3.000 ha đất chuyên trồng lúa hiện tại tập trung chuyên canh lúa chất lượng cao; xây dựng trên 130 ha chuyên canh rau an toàn; chuyển đổi trên 90 ha đất hiện đang có mục đích canh tác khác sang trồng cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả lên trên 1.100 ha. Diện tích đất chuyên lúa được đề xuất giữ lại gần 4.120 ha và xác định gần 1.440 ha đất trồng lúa có thể chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác khi có yêu cầu.

Cụ thể, vùng lúa chất lượng cao tập trung ở các xã Quảng Bị, Hoàng Diệu, Lam Điền, Văn Võ, Trung Hòa…. Vùng rau an toàn ở các xã Mỹ Lương và thị trấn Chúc Sơn. Vùng cây ăn quả tập trung ở các xã Trần Phú, Nam Phương Tiến, Phụng Châu.

Đối với huyện Thanh Oai, trên 95% diện tích đất nông nghiệp (trên 6.530 ha), là đất Phù sa (bao gồm các loại đất phù sa glây, phù sa mới biến đổi, phù sa úng nước, phù sa được bồi và phù sa không được bồi). Phần diện tích còn lại (gần 320 ha) là đất Glây. Đánh giá chung, độ phì đất ở mức trung bình đến cao. Một phần khá lớn (chiếm khoảng 2/3 diện tích) có hàm lượng kali ở mức thấp.

Kết quả đánh giá thích hợp cho thấy phần lớn diện tích đất nông nghiệp huyện Thanh Oai rất thích hợp với cây lúa, chỉ có khoảng 113 ha ở các xã Thanh Cao và Thanh Mai có điểm hạn chế là địa hình thấp trũng. Với cây ngô, cây cải bắp, khoai tây và các cây đậu đỗ, toàn bộ diện tích đều có điểm hạn chế là thấp trũng hoặc đất chua. Cũng do các tính chất hạn chế này, có đến 70% diện tích ít thích hợp với cây ăn quả.

Từ đó, đã đề xuất 7 kiểu sử dụng đất chính cho địa bàn huyện Thanh Oai, theo đó sử dụng gần 825 ha đất chuyên lúa hiện tại để phát triển lúa chất lượng cao; xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với tổng diện tích gần 850 ha (có gần 20 ha chuyển từ đất lúa 1 vụ). Chuyển gần 125 ha đất chuyên lúa sang trồng rau màu; trên 50 ha chuyển sang trồng rau an toàn, trên 42 ha sang trồng hoa…. Xây dựng vùng trồng hoa 70 ha và vùng rau an toàn khoảng 275 ha.

Vùng lúa chất lượng cao được đề xuất tập trung tại các xã Hồng Dương, Xuân Dương. Vùng rau an toàn tập trung ở Kim An và Kim Thư.

Huyện Gia Lâm có gần 560 ha đất Cát ven sông, phân bổ chủ yếu hai bên bờ sông Đuống; còn lại gần 5.680 ha là đất Phù sa, bao gồm các loại phù sa được bồi, không được bồi, phù sa úng nước và phù sa mới biến đổi. Đánh giá chung, đất nông nghiệp huyện Gia Lâm có độ phì thấp đến trung bình, đặc biệt là hàm lượng kali tổng số và dễ tiêu đều thấp.

Kết quả đánh giá thích hợp cho thấy yếu tố hạn chế chính đối với đa số các cây trồng ở huyện Gia Lâm là độ phì đất thấp. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như thành phần cơ giới nhẹ với vùng đất Cát ven sông hoặc nặng và thấp trũng ở nhiều vùng nội đồng ở Kim Sơn, Dương Quang, Yên Thường…..

Từ kết quả đánh giá thích hợp, đã đề xuất 5 kiểu sử dụng đất chính cho sản xuất nông nghiệp huyện. Theo đó, dành gần 700 ha đất chuyên lúa hiện tại để phát triển lúa chất lượng cao. Tiếp tục sử dụng gần 1.030 ha đất chuyên hai vụ lúa, chuyển trên 310 ha đất chuyên lúa sang trồng màu và trên 730 ha sang trồng cây ăn quả (cam, bưởi…). Để tập trung phát triển vùng cây ăn quả (bao gồm cam, bưởi, ổi); đề xuất chuyển gần 420 ha đất hiện đang canh tác lúa một vụ, gần 1.100 ha đất trồng rau màu và trên 250 ha đất trang trại sang trồng các loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, dành trên 445 ha đất trồng rau màu để phát triển vùng rau an toàn.

Đề xuất xây dựng vùng rau an toàn tại các xã Văn Đức, Đặng Xá, Phú Thị…; vùng lúa chất lượng cao tại các xã Dương Xá, Trâu Quỳ, Cổ Bi. Vùng cây ăn quả được đề xuất tập trung phát triển tại các xã Dương Quang, Đa Tốn, Phù Đổng, Ninh Hiệp, Trâu Quỳ, Kiêu Kỵ, Đông Dư….

Bảng So sánh biến động các tính chất nông hóa đất phù sa sông Hồng

(Các năm 1990, 2000, 2010)

Chỉ tiêu

1990

2000

2010

Chương Mỹ

Gia Lâm

Thanh Oai

pHKCl

5,07

4,70 - 5,04

4,3 (± 0,13)

5,56 - 5,73

5,22 - 5,69

5,24 - 5,58

OC (%)

1,03

0,81 - 1,47

1,8 (± 0,10)

1,37 - 2,34

1,29 - 1,54

2,06 - 2,46

N (%)

0,10

0,11 - 0,17

0,19 (± 0,01)

0,13 - 0,22

0,12 - 0,16

0,19 - 0,24

P2O5ts (%)

0,07

0,13 - 0,14

0,17 (± 0,03)

0,19 - 0,27

0,15 - 0,17

0,13 - 0,20

K2Ots (%)

1,60

0,25 - 1,42

1,27 (± 0,07)

1,73 - 1,24

0,76 - 1,20

0,49 - 1,62

P2O5dt (mg/100g)

-

31,2 - 46,3

25,6 (± 8,10)

8,8 - 44,4

17,9 - 35,0

7,8 - 13,6

K2Odt (mg/100g)

-

-

11,7 (± 1,43)

13,4 - 13,7

8,0 - 8,2

8,0 - 13,3

CEC (me/100g)

-

5,8 - 12,2

15,7 (± 0,85)

6,2 - 10,7

14,2 - 19,0

11,0 - 13,7

- Số liệu năm 1990 và năm 2010 tính trên đất phù sa trồng lúa toàn vùng đồng bằng sông Hồng (dẫn theo Nguyễn Văn Bộ và nnk- Hội thảo quốc gia đất Việt Nam: hiện trạng sử dụng và thách thức, NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, 2015);

- Số liệu năm 2000 dẫn theo Phạm Quang Hà và nnk, Viện TNNH; 2002.

So sánh với các kết quả phân tích đất phù sa đồng bằng sông Hồng các thời kỳ trước, có thể thấy: độ chua của đất có xu hướng giảm mạnh trên tầng mặt ở cả ba huyện so với các thời kỳ năm 2000 và 2010; đất hiện tại đạt mức phản ứng gần trung tính. Đạm và cacbon hữu cơ tổng số tăng đáng kể qua các thời kỳ, hiện tại đạt mức trung bình đến giàu. Lân tổng số và dễ tiêu tăng trong giai đoạn 1990 - 2010, trong giai đoạn 2010 đến nay vẫn giữ ở mức giàu nhưng có xu hướng giảm theo thời gian ở cả ba huyện; đặc biệt là huyện Thanh Oai có hàm lượng lân dễ tiêu ở nhiều địa bàn chỉ còn ở mức trung bình. Kali tổng số có xu hướng giảm ở cả ba huyện; trong đó hai huyện Gia Lâm và Thanh Oai đã có nhiều mẫu có hàm lượng kali tổng số nghèo. Hàm lượng kali dễ tiêu trên địa bàn huyện Chương Mỹ có xu hướng tăng nhẹ, nhưng ở hai huyện Thanh Oai và Gia Lâm vẫn tiếp tục xu hướng giảm; trên địa bàn huyện Gia Lâm, đa số các mẫu đều có chỉ tiêu này ở mức nghèo. Dung tích hấp thu đất tăng trong giai đoạn 2000 - 2010 nhưng từ năm 2010 đến nay chỉ duy trì được trên địa bàn huyện Gia Lâm, còn tại huyện Chương Mỹ và Thanh Oai lại có xu hướng giảm về thời điểm những năm 2000; chỉ tiêu này nhìn chung ở mức trung bình nhưng có một số điểm trên địa bàn huyện Chương Mỹ ở mức nghèo. Đánh giá chung, kali có thể trở thành yếu tố hạn chế đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cả ba huyện đối với nhóm đất phù sa./.

Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8920
Tổng lượng truy cập: 25332407