Là một trong số ít xã của thành phố đã chuyển đổi toàn bộ đất nông nghiệp, diện tích hai lúa sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, Đại Thành hiện có 160ha trồng cây ăn quả, trong đó có 115ha trồng nhãn chín muộn đã cho thu hoạch. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành (Quốc Oai) Đinh Văn Phích cho biết: Năm 2016, năng suất nhãn toàn xã đạt 2.000 tấn và được các siêu thị, cửa hàng đặt mua với số lượng ổn định. Nhãn chín muộn Hà Nội cũng được xuất khẩu sang Malaysia và nhận được phản hồi tích cực. Năm 2016, toàn xã thu về hơn 40 tỷ đồng từ trồng nhãn chín muộn. Nhờ cây trồng này, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu và ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Văn Thành - một trong những hộ trồng nhãn chín muộn lâu năm tại Đại Thành chia sẻ, gia đình có cây nhãn tổ trên 120 tuổi. Từ cây nhãn này, anh đã sử dụng công nghệ cấy ghép để tạo ra vườn nhãn hơn 150 cây, đang cho thu quả. Vườn nhãn gia đình anh được áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thu hoạch hơn 15 tấn quả, giá bán bình quân tại vườn 40.000-45.000 đồng/kg. Hiện, nhãn chín muộn của gia đình chủ yếu tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn, các siêu thị lớn và rất ít bán lẻ. Ngoài ra, anh còn cung cấp cho thị trường hơn 2 vạn cây con, thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
Mặc dù hiệu quả kinh tế cao, song năm 2017, người trồng nhãn Đại Thành thất thu do thời tiết bất ổn, độ ẩm cao trong thời gian nhãn phân hóa mầm hoa. Cuối tháng 5, đầu tháng 6-2017, do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao (38-40oC) đúng thời điểm nhãn ra quả non khiến quả rụng nhiều. Bởi vậy, năm 2017 toàn xã chỉ thu được khoảng 350 tấn, hiệu quả kinh tế từ nhãn đạt 10,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2016.
Để khắc phục tình trạng nhãn mất mùa do thời tiết, năm 2018, với sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Thành đã triển khai mô hình đưa một số giải pháp nâng cao năng suất cho nhãn chín muộn. Mặc dù được triển khai với quy mô nhỏ (khoảng 0,75ha) song hiện nay, tại các vườn nhãn đã sai hoa, dự kiến sản lượng đạt cao. Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, để giảm thiểu tác động của thời tiết đối với sự phát triển của hoa và quả nhãn, trung tâm đã phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp tiến hành các biện pháp kỹ thuật như, giai đoạn quả non phải thường xuyên giữ ẩm, phun thuốc trừ sâu bệnh…
Để đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, những năm tới, ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng vùng sản xuất nhãn chín muộn an toàn, bền vững. Mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nhãn chín muộn toàn thành phố đạt hơn 700ha và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật đồng bộ hóa, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đồng thời, nghiên cứu các biện pháp bảo quản quả đáp ứng yêu cầu rải vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Bên cạnh đó, tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu truyền thống và chủ động mở rộng thị trường tới Mỹ, Châu Âu, khu vực Trung Đông...