Vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa giải quyết môi trường
Từ những thùng đào, thùng đấu bỏ hoang, ông Nguyễn Xuân Hùng - một người làm kinh doanh đã bỏ nghề để đầu tư vào nuôi giun quế, phục vụ chăn nuôi, trồng trọt.

Mô hình nuôi giun quế của ông Hùng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà quan trọng hơn, đã góp phần giải quyết toàn bộ chất thải của đàn bò sữa, làm trong sạch môi trường sống nơi đây.

      

                Ông Nguyễn Xuân Hùng kiểm tra xưởng nuôi giun quế.

 

Hiệu quả kinh tế cao

Với hơn 1,5ha đất thùng đào thùng đấu ở ven quốc lộ 1B, thuộc thôn Phù Đổng 2, nhiều năm qua UBND xã Phù Đổng đã cho thuê nhưng chưa có cá nhân nào phát huy được hiệu quả. Năm 2015, sau nhiều năm làm nghề kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Hùng ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm nhận thấy khu vực thùng đào thùng đấu này có thể tận dụng để phát triển kinh tế, ông đã đề xuất thuê khu đất để đầu tư mô hình nuôi giun quế, giải quyết ô nhiễm môi trường.

Được sự đồng ý của UBND xã Phù Đổng, ông Hùng thuê lại khu đất, sau đó bắt tay vào xây dựng nhà xưởng. Những ngày đầu, ông phải thuê xe chở đất, thuê máy xúc san ủi để có mặt bằng. Ông đi khắp các tỉnh để mua máy móc, đầu tư nhà xưởng. Trong số hơn 1,5ha, ông xây dựng 1.500m2 vuông nhà xưởng nuôi giun quế; diện tích còn lại ông quy hoạch thành trang trại trồng cây cảnh, cây ăn quả, hoa lan chất lượng cao…

Sau gần 3 năm triển khai, mô hình nuôi giun quế của ông bước đầu có hiệu quả. Sản phẩm hiện nay cho thu hoạch là giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ giun quế. Với giá bán 20.000 đồng/kg sinh khối (giun giống), 100.000 đồng/kg giun thành phẩm và 2.500 đồng/kg phân sạch, trang trại của ông cung cấp giống và phân bón cho nhiều trang trại lớn ở miền Bắc và trên địa bàn Hà Nội. Ông còn được nhiều nơi mời đến tư vấn xây dựng mô hình và tư vấn về kỹ thuật nuôi giun quế tại các huyện Gia Lâm, Thạch Thất...

Đường sá, ao hồ hết bẩn

Trong khi đó, Phù Đổng là địa phương nổi tiếng với nghề nuôi bò sữa với tổng đàn khoảng 2.000 con. Theo ông Trần Xuân Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Phù Đổng, trước đây lãnh đạo địa phương rất đau đầu về bài toán chất thải từ bò sữa. Mỗi ngày đàn bò thải ra gần 20 tấn phân, ngoài một số hộ dân sử dụng làm hầm biogas còn hầu hết số phân đó được đổ ra ao, hồ, mương, rãnh, thậm chí đổ ra vệ đê, rất hôi thối và mất mỹ quan. Không những thế, sau mỗi trận mưa, chất thải chảy xuống ao hồ trong các thôn xóm, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề.

Khu vực xử lý chất th

ải trước khi đưa vào làm thức ăn cho giun quế.

 

Do vậy, khi nhận được đề xuất xây dựng mô hình nuôi giun quế của ông Nguyễn Xuân Hùng có thể giải quyết được nguồn chất thải từ bò sữa, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Phù Đổng và huyện Gia Lâm đã đồng ý cho triển khai. Thời gian đầu, khi mô hình mới đi vào hoạt động, để có nguồn thức ăn cho giun quế, mỗi ngày HTX thu gom khoảng 7 - 8 tấn chất thải. Sau đó, khi mô hình đi vào ổn định, mỗi ngày lượng chất thải cần dùng lên tới 12 tấn. Đến nay, số lượng phân bò thải ra mỗi ngày không đủ để phục vụ mô hình.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, hiện đã là Chủ tịch HĐQT HTX Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư cho biết, trước đây HTX chỉ việc thu gom phân bò ở ven đường hoặc các gia đình tự mang đến để xử lý mà không phải trả tiền, nhưng nay phải trả tiền để mua phân bò của các hộ chăn nuôi với giá 2.000 đồng/xô. Không những thế, HTX còn phát xô có nắp đậy cho các hộ chăn nuôi, sau đó nhờ các hộ chở lên. Tổng cộng mỗi tháng, HTX chi trả khoảng 10 triệu đồng mua phân bò cho các hộ chăn nuôi. Đến nay, tất cả đường làng, ngõ xóm ở xã Phù Đổng đều sạch sẽ, không còn phân đổ dọc đường; mương máng, ao hồ nước cũng đã trong hơn, không còn bốc mùi hôi thối như trước nữa.

Ngoài nhà xưởng nuôi giun quế, ông Hùng còn quy hoạch khu đất thành vùng trồng cây cảnh, cây ăn quả, hoa lan cao cấp và sử dụng chính nguồn phân sạch từ giun quế để chăm sóc. Đặc biệt mới đây, ông đã làm việc với một đối tác của Nhật Bản để đối tác này nghiên cứu sản xuất mỹ phẩm từ giun quế. Hiện tại, HTX đang xây dựng thêm nhà xưởng để làm phòng thí nghiệm và chế biến nguyên liệu từ giun quế.

Ông Trần Xuân Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, mô hình nuôi giun quế của HTX Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Hiệp Thư không phải là mô hình đầu tiên nhưng đến nay là thành công nhất. Trước đây vào những năm 2011 - 2012, ở xã Phù Đổng đã có một số mô hình nuôi giun quế nhỏ lẻ nhưng không phát triển được. Do vậy, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện để mô hình này phát triển.

Nguồn: kinhtedothi.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2985
Tổng lượng truy cập: 22303093